Tư vấn, vận động tiểu thương chợ Mai (TP. Huế) tham gia BHXH tự nguyện

Từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng, đồng nghĩa với quyền lợi của người tham gia cũng được nâng lên. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất đã trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ là 297.000 đồng/tháng, tăng 158.400 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 (138.600 đồng/tháng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua người lao động (NLĐ) gặp không ít khó khăn về tài chính, cùng với tâm lý lo ngại, chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc tăng mức đóng dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện trong 7 tháng qua giảm đáng kể. Tính đến ngày 31/7/2022, toàn tỉnh có hơn 17.600 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm gần 20% so với thời điểm cuối năm 2021.

Để thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh đã chủ động, sáng tạo thực hiện mô hình truyền thông trực tiếp, kết hợp với truyền thông trực tuyến và truyền thông theo nhóm nhỏ. Trong đó, tổ chức các hội nghị truyền thông trực tuyến; triển khai các hoạt động truyền thông đến tận các xã, thị trấn, các vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; phối hợp với các đại lý thu chú trọng truyền thông theo nhóm nhỏ, theo địa bàn cụm dân cư để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân. Nhờ vậy, người dân đã dần dần nắm bắt các quy định và hiểu rõ hơn các chính sách của Nhà nước về BHXH tự nguyện để tham gia.

Chị Dương Thị Thúy, xã Hương Phong, TP. Huế cho biết, trước đây chị tham gia BHXH tại công ty may nhưng nghỉ việc và đã nhận BHXH một lần. Hiện, chị mở cửa hàng tạp hóa kinh doanh; sau khi được cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, chị đã làm thủ tục tham gia cho cả hai vợ chồng và mẹ. “Trước đây, tôi nghĩ chỉ có đi làm ở các cơ quan Nhà nước mới có lương hưu. Nhưng từ khi được tư vấn, tôi đã hiểu lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện dành cho lao động tự do. Vì vậy, tôi đã tham gia để sau này có lương hưu”, chị Thúy chia sẻ.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác thu, phát triển BHXH tự nguyện rất nhiều. Ngoài ra, việc áp dụng mức đóng BHXH tự nguyện theo chuẩn nghèo mới, cùng với những tác động của Quyết định 861 của Chính phủ nên việc phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, số tham gia giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Vì vậy, đơn vị đã chủ động, tích cực trong việc triển khai giao chỉ tiêu BHXH, BHYT đến cấp xã; yêu cầu BHXH các địa phương liên tục rà soát, cập nhật số liệu, trên cơ sở đó tiếp cận tuyên truyền để vận động tham gia.

Cùng với công tác phát triển người tham gia, BHXH tỉnh thực hiện chuyển tiếp giữa quy chế cũ và mới từ ngày 1/7/2022, trong đó hoàn tất việc thực hiện chấm dứt, thanh lý hợp đồng và ký hợp đồng ủy quyền mới nhằm tránh gián đoạn về mặt thời gian. Xây dựng kế hoạch chi tiết, làm việc cụ thể với các tổ chức dịch vụ đã ký hợp đồng ủy quyền về việc tiếp nhận nhân viên thu của các tổ chức không đủ điều kiện để tiếp tục ký hợp đồng ủy quyền; đề nghị các tổ chức lập và xác nhận danh sách nhân viên nhận chuyển giao; xây dựng quy chế chi trả thù lao chi phí thu đối với những nhân viên này để tránh tranh chấp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một trong những giải pháp hữu hiệu nữa là BHXH tỉnh đã xây dựng các hoạt động truyền thông linh hoạt và phù hợp. Việc lồng ghép các buổi đối thoại, nói chuyện chuyên đề về BHXH tự nguyện trong các buổi họp dân phố, thôn, bản hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về BHXH tự nguyện, cuộc thi tư vấn viên, tuyên truyền viên ở các địa phương đã góp phần phổ biến sâu rộng hơn kiến thức BHXH tự nguyện trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, đơn vị đã mở rộng các đại lý/các điểm thu để người dân dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc tham gia cũng như đào tạo nhân viên tư vấn, cung cấp dịch vụ BHXH tự nguyện chuyên nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Thư