Từ năm học 2022-2023, học phí của các cơ sở giáo dục đại học sẽ được điều chỉnh theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Do vậy, nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo mức học phí mới. Trong đó, một số trường tính toán mức tăng vừa phải để chia sẻ với người học, nhưng có những lĩnh vực, học phí sẽ tăng gấp hơn 1,5 - 2 lần so với năm học trước.

Ảnh minh họa: Lê Vân/Báo Tin tức

Đồng loạt tăng học phí

Khối các trường Đại học Luật năm nay đều có mức học phí tăng cao so với năm học 2021-2022.

Cụ thể, theo thông báo của Trường Đại học Luật Hà Nội, mức thu học phí các lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2022-2023 đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học là 2 triệu đồng/tháng, tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng/tháng của năm học 2021 - 2022.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên nhập học năm học 2022-2023 hệ đại trà các ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh có mức học phí là 31,25 triệu đồng/năm, trong khi năm học trước, mức học phí với các ngành này là 18 triệu đồng/năm.

Ở khu vực phía Bắc, Trường Đại học Y Hà Nội mức tăng cao nhất là hơn 1,7 lần ở một số ngành. Cụ thể, bậc đại học, mức thu cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 3,7 triệu đồng/tháng. Ở hệ đại trà, các ngành Răng Hàm Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng có mức thu 2,45 triệu đồng/tháng. Các ngành còn lại là Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng có mức học phí 1,85 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia  Hà Nội có mức học phí các ngành hệ chuẩn là 2,45 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Dược Hà Nội, với hệ đại trà các ngành Dược học 24,5 triệu đồng/năm học; ngành Hóa dược 18,5 triệu đồng/năm học; ngành Công nghệ sinh học 13,5 triệu đồng/năm học. Mức học phí áp dụng ở năm học trước là 1,43 triệu đồng/tháng đối với sinh viên hệ đại học chính quy.

Ở khu vực phía Nam, Khoa Y - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố mức thu học phí giai đoạn 1 (2021-2023), dự kiến được triển khai tăng theo lộ trình. Học phí ngành Y khoa năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm. Sinh viên ngành Răng Hàm Mặt đóng 96,8 triệu đồng năm 2022 và 106,48 triệu đồng năm 2023.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến mức học phí cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm học với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Tất cả ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học.

Ở các khối ngành khác, mức học phí cũng đồng loạt tăng, tùy theo từng trường và từng ngành đào tạo sẽ có mức tăng khác nhau.

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học phí tính theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 với 276.000 đồng (hệ đại trà) và 771.000 đồng (hệ chất lượng cao).

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết năm học 2022-2023 sẽ chính thức điều chỉnh học phí. Theo đó, các chương trình chuẩn có mức từ 24-30 triệu đồng/năm học, tùy theo từng ngành (năm học trước từ 22-28 triệu đồng). Mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.

Cần cơ chế giảm gánh nặng cho người học

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Tự chủ đại học đặt ra cho lãnh đạo nhà trường bài toán phải có sự cân bằng tài chính trong phát triển. Tuy nhiên, việc tăng học phí một cách nhanh chóng không phải là bài toán phát triển của nhà trường. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo đầu tư cho giáo dục, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho việc học tập của sinh viên. Ngoài ra, việc huy động nguồn kinh phí từ các dự án tài trợ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các dự án nghiên cứu… sẽ làm cho tài chính của nhà trường vững mạnh, không phải chỉ trông chờ vào nguồn lực từ học phí.

Liên quan đến vấn đề học phí tăng sẽ khiến một số sinh viên khó tiếp cận giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ: Vấn đề công bằng trong giáo dục rất quan trọng. Vì vậy, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên hoàn cảnh khó khăn hoặc có năng lực đặc biệt. Năm học 2022-2023, nhà trường đã thành lập Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho các sinh viên nghèo vượt khó. Bên cạnh đó, hàng năm, trường luôn dành khoảng từ 5-8% học phí để làm các quỹ học bổng cho sinh viên.

“Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và người học để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng. Ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2016, chúng tôi bắt đầu một chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật có mức học phí gấp 2,5 lần bình thường. Đầu tiên, nhiều người e dè và không mong muốn học. Nhưng lứa đầu tiên ra trường có 30% đi làm tại Nhật Bản và chỉ sau 1 năm, mức lương của các em có thể bù lại học phí đã đóng trong 5 năm.” - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT - Tiến sĩ Lê Trường Tùng, chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình “tự túc”. Dù đầu tư từ nguồn nào thì một trong các yếu tố để đảm bảo chất lượng là chi phi đào tạo/sinh viên phải đủ lớn. Hiện nay mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1.000 USD/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia. Vì vậy, trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên, từ nhiều nguồn để lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thái Lan và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ có thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách. Thứ nhất là thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay. Thứ hai là tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học. Thứ ba là chính sách tín dụng - vay tương lai tiêu cho hiện tại.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cũng nhấn mạnh, việc tăng học phí quá nhiều là không thể, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công - trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng cần có giải pháp và cách đi phù hợp vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần nhìn nhận thực chất của vấn đề. Hiện nay, tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi. Một số trường đại học trong khu vực có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường đại học công lập ở Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay, các trường đại học trong nước rất khó để cạnh tranh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Mục tiêu của tự chủ đại học là phát huy nội lực, sức mạnh của cả hệ thống cũng như phát huy sức mạnh của các đơn vị trong nhà trường đối với đội ngũ giảng viên, để thu hút thêm nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó, quan điểm cho rằng tự chủ là Nhà nước không cấp ngân sách, cắt giảm ngân sách là không đúng. Luật Giáo dục Đại học quy định rõ, Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách chứ không phải giảm vai trò trong việc cấp ngân sách và đầu tư cho các trường đại học.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành phối hợp, đặc biệt là Bộ Tài chính đưa ra lộ trình từng bước nâng cao tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Hiện nay, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam tính trên GDP chỉ từ 0,25 - 0,27%, thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 0,6 – 1%, nghĩa là mức chi của chúng ta còn rất thấp. Khi Nhà nước tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học thì sẽ giảm gánh nặng cho người học, cho xã hội.

Bên cạnh đó, người học, gia đình, xã hội cũng phải nhận thức được rằng, chúng ta đầu tư cho giáo dục đại học thì mỗi gia đình, mỗi sinh viên cũng cần có sự đầu tư để được hưởng lợi sau này. Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, vừa qua, Chính phủ đã quyết định nâng mức tín dụng sinh viên, tuy nhiên, phạm vi, đối tượng chưa được mở rộng. Đây là một chính sách rất quan trọng, vì vậy cần mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân và công bằng xã hội.

Theo Báo Tin tức