Đáng chú ý là Bộ Nông nghiệp Australia đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam. Tuy nhiên, vải tươi xuất khẩu sang thị trường này đòi hỏi phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe như vùng trồng, cách chăm sóc an toàn, quả không được nhiễm sâu bệnh, hóa chất, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số...

Thật ra, đây không phải là đòi hỏi riêng chỉ có Australia với vải thiều mà là đòi hỏi cần thiết của tất cả các nước khác với mặt hàng nông sản nói chung. Thực tế, chúng ta đã xuất khẩu nhiều mặt hàng đông lạnh sang châu Âu, Mỹ, một số nước trong thời gian qua và đã từng phải trả giá đắt, khi một số lô hàng bị vi phạm các quy định khắt khe đó.
Hiện nay, thị trường nông sản Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn khi các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán tích cực để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài vải còn có vú sữa, chôm chôm, nhãn, xoài, thanh long và nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đang được đàm phán, hoàn thiện các thủ tục, giải pháp để tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, châu Âu và các nước Trung Đông.
Ngược lại, nông sản từ các nước cũng tràn vào thị trường Việt Nam và sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa nếu sản phẩm trong nước không đảm bảo chất lượng, giá trị. Cho nên, cùng với cơ hội thì đây cũng là một thách thức lớn đòi hỏi nhà nông phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về an toàn trong quá trình sản xuất cũng như giá thành sản phẩm.
Mặc dầu không nằm trong vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp nhưng Thừa Thiên Huế vẫn rất có tiềm năng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, vươn ra thị trường trong nước và thế giới. Đặc điểm địa hình nhiều sông suối, ao hồ, ít khô hạn, đất đai khá màu mỡ... rất thích hợp với nhiều loại cây trồng.
Thừa Thiên Huế có nhiều loại cây đặc sản thanh trà, măng cụt, cam Dòng Thiên An. Riêng gạo, ngoài các loại gạo truyền thống như gạo Đỏ, gạo De đã xuất hiện thêm nhiều giống mới có giá trị cao loại như gạo Ngọc trai, SV181, Thiên ưu 8. Các vùng chuyên canh rau màu ổn định ở Quảng Thành, Quảng Thọ, Ngũ Điền. Đặc biệt là hệ thống đầm phá, bãi ngang rất thích hợp để nuôi trồng thủy hải sản... Đây là những tiền đề quan trọng để đưa những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trở thành hàng hóa có giá trị, với điều kiện phải có định hướng phát triển bền vững, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu chung của thị trường thế giới!
Đặng Thành