Cổ vật luôn có sức hút mãnh liệt với du khách, công chúng (Ảnh minh họa)
Đến viếng và tiễn đưa ông lần cuối, nhiều người trò chuyện với nhau và tỏ chút ái ngại với kho cổ vật mà suốt cả đời người ông đã lặn lội sưu tập, chăm chút. Chẳng biết rồi đây số phận của chúng sẽ thế nào. Những đứa con của ông có tiếp nối đam mê của cha để mà kế thừa, gìn giữ…
Thời gian dần trôi, nghe tin anh này, chị kia lân la tìm xem, gạ mua các món đồ từ kho cổ vật mà ông đã cả đời dày công tích cóp, nâng niu, nghiền ngẫm. Con cái ông chắc là khó khăn về tài chính, lại cũng có thể một phần thấy không đủ khả năng để mê say và “giải mã” chúng như cha, nên đã gật đầu. Người mua được thì chắc là hỉ hả, mang về cả mớ “hàng sỉ” để hình thành bộ sưu tập xem như do mình trăn trở, lao tâm khổ tứ cóp nhặt cả đời. Tên tuổi, bóng dáng của tiền nhân là ông dĩ nhiên nhạt nhòa như mây khói... Có người rành chuyện thấy sao mà bất nhã, gọi điện đến tâm sự, chia sẻ cùng tôi đến “cháy máy”. Tôi nghe, và mong đó chỉ là đồn thổi, suy diễn kiểu miệng lưỡi thế gian. Chứ làm văn hóa, ai nỡ hành xử bạc bẽo làm vậy…
Mới đây, nhân dự một sự kiện tại tuần lễ Festival 2022, gặp nhà nghiên cứu P.D., chuyện trò loanh quanh một hồi sao đó chúng tôi lại nhắc đến ông, đến số phận kho cổ vật của ông. Nhà nghiên cứu P.D. thở dài đề cập nỗi tiếc nuối của mình khi thấy bộ sưu tập nồi đồng của ông đã theo về với chủ mới. “Đó là một bộ sưu tập các chiếc nồi đồng với đủ các kích cỡ, rất khó để có thể tập hợp đầy đủ được một bộ như vậy. Thế mà vừa rồi chúng đã được nhượng đi với giá rất bèo bọt. Tôi nhẩm tính, nếu đơn giản chỉ cân đồng để bán thôi, thì số tiền có khi cũng đã còn hơn giá mà nó đã được chuyển nhượng...” - P.D. kể với giọng tiếc rẻ. Tôi nghe, và dẫu không chơi, hay chính xác hơn là không đủ khả năng để chơi đồ cổ, nhưng lòng cũng dấy lên niềm tiếc nuối như anh. Nhưng rồi lại chợt nghĩ, dù sao cũng còn may mắn hơn là nó bị xé lẻ để bán, nơi này chiếc, nơi kia chiếc, rồi không biết người mua nó sử dụng vào việc gì, hay “xả thịt” lấy đồng dùng vào việc này việc khác, cuối cùng tan nát hết. Đằng này, ai đó chắc cũng có niềm đam mê chơi đồ cổ nên mới bỏ tiền mua luôn cả bộ. Như vậy, ít ra “gia đình” nồi đồng kia cũng không lâm cảnh tan đàn xẻ nghé, cũng đồng nghĩa chúng có cơ may được lưu giữ vẹn nguyên giúp những người quan tâm có cơ hội mục kích tường minh một bộ nồi đồng của “người xưa” mặt mũi nó như thế nào.
Tương tự như trước đây, có tình trạng nhiều gia đình dỡ bỏ những ngôi nhà rường xưa cũ, xuống cấp để thay bằng những căn nhà hiện đại tiện nghi hơn, cùng với đó là xuất hiện một số người hành nghề tìm mua, phục chế nhà rường. Chứng kiến hiện tượng ấy, nhiều người quá xót, quá sốt ruột đã phải kêu lên, báo động nạn “chảy máu nhà rường”. Thế nhưng, có người bình tĩnh hơn đã phân tích, rằng ở một góc nhìn nào đó, cần phải cảm ơn những người đã tìm mua, phục chế nhà rường. Bởi đó là những người có điều kiện tài lực, có niềm đam mê nên mới bỏ công, bỏ của tìm kiếm, sưu tập, phục chế, rồi lại thổi lại cái niềm đam mê ấy vào đời sống khiến thú chơi nhà rường hồi sinh; chủ nhân những ngôi nhà rường cổ lại giật mình thấy quý, thấy thương và lại lo chăm chút, tu bổ ngôi nhà mà cha ông họ để lại. Không có những người tìm mua, sưu tập nhà rường, có lẽ không ít những ngôi nhà quý của Huế đã vĩnh viễn vùi chôn vì mục ruỗng hoặc “hóa thân” trong những bếp lò. Với bộ sưu tập nồi đồng của ông, có lẽ cũng nên soi dưới góc nhìn như vậy để nhẹ lòng. Chỉ mong với những món đồ còn lại, nếu không được con cháu của ông giữ gìn thì ít ra cũng sẽ được gặp “quý nhân”, để có cơ hội mà lưu tồn, mà tỏa rạng cùng hậu thế…
Bài, ảnh: Hàn Yên