Đó là thực trạng của lữ hành Huế hiện nay. Theo Hội Lữ hành Huế, toàn tỉnh hiện có 72 doanh nghiệp (DN) lữ hành, chỉ bằng một phần thậm chí là con số lẻ của hai đầu đất nước, như TP. Hồ Chí Minh với 1.083 DN lữ hành; Hà Nội hơn 450 DN lữ hành và gần chúng ta như Đà Nẵng cũng hơn 300 DN lữ hành. Đáng nói là trong danh sách công bố Top 10 DN lữ hành hàng đầu Việt Nam, DN lữ hành Thừa Thiên Huế đã không được gọi tên. Điều đó đã phần nào giải thích tại sao tổng lượng khách của 72 DN lữ hành Huế khai thác chỉ bằng 1 DN lớn của hai đầu đất nước với bình quân mỗi lữ hành khai thác hàng năm chỉ từ 1.000-2.000 khách.

Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch chỉ ra như đa số lữ hành Huế không có sản phẩm riêng, độc đáo. Thiếu sự đầu tư để xây dựng sản phẩm mới, mà chủ yếu dựa trên di sản hoặc sản phẩm sẵn có. Tính liên kết giữa các lữ hành chưa cao và vẫn còn tình trạng “gà nhà đá nhau”, cạnh tranh thiếu lành mạnh… Khi có một đơn vị có nhu cầu đi du lịch, các lữ hành được chào mời tour tuyến và có trường hợp hạ giá để bán được tour. Hệ lụy là vừa không tạo được sự liên kết, hỗ trợ nhau mà con làm xấu hình ảnh lữ hành Huế. Bên cạnh đó, chất lượng tour cũng ảnh hưởng.

Cách đây không lâu, lớp chính trị của chúng tôi có nhu cầu đi thực tế ở Đà Nẵng. Sau khi mời hai lữ hành đến chào bán tour, đã có lữ hành hạ giá. Sau đó, chúng tôi được sử dụng những dịch vụ tệ hơn rất nhiều so với thông tin ban đầu, khi phòng dành cho 4 người nhưng chỉ được 2 giường đơn. Đến khách sạn dù đúng giờ check-in theo quy định, nhưng phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới có phòng. Quán ăn trưa, ăn tối phục vụ trời ơi, thực đơn sơ sài không như cam kết. Nhưng đã lỡ đặt rồi nên đành chấp nhận, song những người trong đoàn hôm đó cũng tẩy chay luôn lữ hành sau chuyến đi.

Đó chỉ là chuyện một lữ hành đơn lẻ. Mới đây, dịch vụ trà chiều trên sông Hương khi đi vào hoạt động cũng được đánh giá là sản phẩm mới cho du khách trải nghiệm. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, đã có tình trạng DN liên kết tổ chức dịch vụ này hạ giá khiến những DN khác bức xúc, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Ngoài sản phẩm, một yếu tố khác khiến DN lữ hành Huế chưa lớn mạnh được Hội Lữ hành chỉ ra là do đa số lữ hành trên địa bàn chủ yếu là DN khởi nghiệp. Họ làm lữ hành theo kiểu “tay ngang” nên thiếu tính bài bản và chuyên nghiệp. Đây cũng là yếu tố khiến du khách chưa mặn mà với lữ hành Huế. Bên cạnh đó, việc thiếu các lữ hành lớn đặt văn phòng tại Huế cũng là lý do khiến lượng khách đến Huế chưa như kỳ vọng.

Dù vậy, khi xét đến các yếu tố về lượng khách đến Huế không chỉ nêu vai trò của lữ hành, mà cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh, trong đó có vai trò của nhà quản lý, chính quyền địa phương và các yếu tố về thiên nhiên, di sản, văn hóa… Rõ ràng, Huế có quá nhiều lợi thế về di sản, di tích, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch. Song, điều mà các lữ hành băn khoăn và đã nhiều lần đề xuất để góp phần tăng lượng khách đến Huế là giảm giá tham quan di tích nhưng vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, các chính sách cho lữ hành chưa tốt. Ví như ở rất nhiều địa phương, cứ mỗi lữ hành đưa 15 lượt khách đến di tích họ sẽ được miễn vé, nhưng ở Huế không có chính sách này. Đây cũng là một thiệt thòi cho lữ hành và khiến họ không mặn mà trong việc tổ chức tour.

Vấn đề khác nữa là, các chuyến bay đến Huế chưa nhiều như Đà Nẵng. Giá vé đến Huế so với Đà Nẵng rất nhiều thời điểm có sự chênh lệch khá cao, có khi từ 2-3 triệu đồng/người nên du khách đã lựa chọn Đà Nẵng. Hơn nữa, công tác quảng bá vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên có nhiều sự kiện, điểm đến hấp dẫn nhưng thông tin chưa đến hoặc đến một cách không đầy đủ với du khách.

Thế nên, để lữ hành Huế lớn mạnh, rõ ràng phải có vai trò từ hai phía cả lữ hành và chính quyền, ngành du lịch bằng những sản phẩm hấp dẫn, độc đáo và chính sách phải thiết thực, cụ thể.

TÂM HUỆ