Giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm địa phương Thừa Thiên Huế

Hoạt động hiệu quả

Nhật Bản là quốc gia luôn giữ tốc độ đầu tư cao, ổn định và luôn là 1 trong 2 quốc gia dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các dự án (DA) đầu tư của DN đến từ Nhật Bản được đánh giá hoạt động có hiệu quả, công nghệ tốt và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký hơn 53 triệu USD. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Huế có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên đầu tư vào Thừa Thiên Huế. DA này được cấp phép đầu tư năm 1997, nay đã đi vào hoạt động thành công, xây dựng thương hiệu tốt trên thị trường, đóng góp rất lớn vào kinh tế địa phương.

Các DA của các nhà đầu tư Nhật Bản còn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm giúp ổn định cuộc sống người dân. Tiêu biểu có thể kể đến DA may mặc của Công ty TNHH MSV giải quyết hơn 1.000 lao động. DA công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen cũng hoạt động hiệu quả, sử dụng trên 300 nhân lực về công nghệ thông tin có chất lượng cao trên địa bàn.

Các DA mới cấp chủ trương đầu tư cũng mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế và cơ hội hợp tác nhiều mặt với các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó, DA Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế do Công ty TNHH AEON Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 169,67 triệu USD (tương đương 3.916 tỷ đồng) đang thực hiện các thủ tục đầu tư để triển khai DA cũng mở ra nhiều kỳ vọng trong phát triển thương mại, dịch vụ. Khi đây là DN trực thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản với lịch sử trải dài hơn 260 năm phát triển tại Nhật Bản và hơn 10 năm phát triển tại thị trường Việt Nam. Với những thành công nhất định trong lĩnh vực phát triển và vận hành trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, các chuỗi cửa hàng chuyên doanh, thương mại điện tử, DN này cũng được nhiều địa phương “săn đón” với kỳ vọng tạo nên sự đột phá trong thương mại dịch vụ.

Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Thừa Thiên Huế có nhiều thế mạnh trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển du lịch (khai thác tốt du lịch chữa bệnh); công nghệ thông tin; công nghiệp phụ trợ điện, điện tử; công nghiệp phụ trợ ngành ô tô; nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu lao động tại Nhật Bản; xúc tiến mở đường bay trực tiếp giữa các địa phương Nhật Bản với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư, mới đây, Thừa Thiên Huế đã tham gia đoàn xúc tiến đầu tư, trao đổi hợp tác và quảng bá du lịch, thương mại tại Nhật Bản. Ngoài tập trung quảng bá thế mạnh địa phương, cơ hội đầu tư khi tham gia chương trình xúc tiến hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với tỉnh Fukuoka và khu vực Kyushu, đoàn cũng đã có các cuộc gặp gỡ xã giao và trao đổi với lãnh đạo phủ Kyoto, tỉnh Gifu và phủ Osaka…

Tại các buổi gặp gỡ này, lãnh đạo tỉnh bày tỏ mong muốn được hợp tác với DN Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, cảng biển, dịch vụ logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch... Kết nối để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, DN Thừa Thiên Huế và cơ sở tiếp nhận thực tập tại Nhật Bản ký kết hợp đồng đưa người lao động, sinh viên thực tập đi làm việc ở Nhật Bản theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề trong các ngành công nghệ thông tin, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, hộ lý, điều dưỡng.

Cùng với việc tham gia và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, Thừa Thiên Huế còn tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng như quan tâm việc xúc tiến và hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI. Nhất là ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu và triển khai DA trên địa bàn.

“Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ doanh DN tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI tại địa phương. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp FDI nói chung và DN Nhật Bản nói riêng có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, qua đó cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển”, ông Sơn chia sẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan