Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường… là một trong sáu nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề  “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” diễn ra ngày hôm qua (11/8).

Theo nhận định, đánh giá chung của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022 và cả trong trung hạn. Ngoài các yếu tố như có nền chính trị ổn định; môi trường đầu tư được cải thiện theo hướng minh bạch, thuận lợi; các chính sách thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng; tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước dịch bệnh, sớm mở cửa và phục hồi nhanh nền kinh tế… thì một yếu tố quan trọng khác là Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề, giá cạnh tranh.

Thực tế ở nước ta, trong đợt đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua, nhiều lao động bị mất việc, giảm thu nhập. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phục hồi kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Quý 2/2022, sự phục hồi của thị trường lao động rất nhanh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thiếu việc làm giảm đều, thu nhập bình quân của người lao động tăng cao…

Trên tổng thể là vậy, nhưng hiện nay ở một số ngành, một số địa bàn vẫn đang thiếu cục bộ lao động, tình trạng lao động nhảy việc nhiều hơn. Chất lượng lao động vẫn thấp, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng. Tại Thừa Thiên Huế, điều này có thể thấy rõ ở ngành du lịch trong quá trình phục hồi hiện nay. Nếu xét trên bình diện rộng, quy luật cung- cầu của thị trường sẽ từng bước điều tiết thị trường lao động. Vùng nào có điều kiện sống tốt, ngành nghề nào có thu nhập cao, doanh nghiệp nào có chế độ đãi ngộ tốt… sẽ thu hút lao động. Khi đó, nhu cầu thị trường lao động sẽ tác động ngược trở lại đối với sự phát triển của các ngành đào tạo và quyết định chọn trường, chọn nghề của người lao động. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế của thị trường, Nhà nước sẽ có những chính sách đặc thù tạo điều kiện phát triển đồng đều, bền vững giữa các vùng, miền, ngành nghề cụ thể...

Đảng và Nhà nước ta đã xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, cho nên trong quá trình phát triển phải đảm bảo hài hoà giữa lợi ích, giữa doanh nghiệp sử dụng lao động với người lao động. Trong đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển; việc kết nối cung- cầu lao động là giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu thừa cục bộ lao động, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Với Thừa Thiên Huế, trong 5 năm 2016-2020, công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng, năng suất lao động tăng đáng kể, với tốc độ tăng bình quân đạt 10,8%. Số lao động qua đào tạo nghề hiện nay đạt trên 65% và phấn đấu nâng lên 68% đến cuối năm 2022. Trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh cũng xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng điểm. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng, hoàn thiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực, tạo lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

Hoàng Minh