Nhiều trường học còn thiếu giáo viên môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa: Sỹ Điền

Khó khăn trong phân công giảng dạy

Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp tiểu học. Việc thiếu giáo viên cho chương trình mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy.

Cô Phan Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) - cho hay: Theo kế hoạch, năm học 2022 – 2023, nhà trường có 4 lớp 3. Hiện, trường có 2 giáo viên Tiếng Anh – cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy – học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, trường vẫn chưa có giáo viên Tin học. “Đây là bài toán nan giải với nhà trường khi mà năm học mới đang đến gần”, cô Yến phân trần.

Tại Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định), thầy Hiệu trưởng Đỗ Hồng Duy cho biết, nếu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cần 4 giáo viên Tiếng Anh và 2 giáo viên Tin học mới đáp ứng yêu cầu dạy – học. Tuy nhiên, mỗi bộ môn nhà trường đang thiếu 1 giáo viên. Về cơ sở vật chất, hiện tại mới đáp ứng ở mức đảm bảo tối thiểu, tương đương 2 học sinh/máy tính. Kế hoạch của nhà trường là, hỏng đâu sửa đấy.

Theo thầy Duy, nhà trường chưa có phòng riêng dành cho dạy học tiếng Anh. Tuy nhiên, tại các lớp học đã được bố trí tivi có kết nối Internet nên có thể đáp ứng được phần nghe hiểu cho học sinh.

Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến, toàn tỉnh thiếu 670 giáo viên tiểu học; trong đó có giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh… Tại tỉnh Gia Lai, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Duy Định cho hay, để triển khai dạy Tiếng Anh và Tin học theo chương trình mới đối với lớp 3, toàn tỉnh cần bổ sung 132 giáo viên cho 2 môn học này. Địa phương đang cố gắng tìm các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo viên ở mức tối thiểu để có thể duy trì việc dạy và học trong năm học mới.

Do thiếu máy tính khi dạy học bộ môn Tin học nên nhiều trường phải áp dụng 2 học sinh/máy. Ảnh minh họa: Sỹ Điền

Tương tự, năm học 2022 – 2023, tỉnh Kiên Giang còn thiếu gần 300 giáo viên, bao gồm các môn: Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc. Ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang - chia sẻ: Đối diện với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ngành Giáo dục địa phương đang xây dựng kế hoạch tháo gỡ trên tinh thần tận dụng đội ngũ cũ, không để tình trạng thừa thiếu giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Giải pháp tình thế

Năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh, Tin học được tổ chức dạy học bắt buộc từ lớp 3 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, dù chỉ còn chưa đầy 1 tháng mới tới năm học mới nhưng với nhiều trường tiểu học, việc bố trí đội ngũ giáo viên ở hai bộ môn này vẫn là bài toán nan giải. Do đó, nhiều trường học, địa phương đã phải vận dụng các giải pháp tình thế.

Đơn cử như Trường Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang), thầy Hiệu trưởng Đỗ Văn Long chia sẻ: Phòng GD&ĐT đã chấp thuận đề xuất tăng cường giáo viên Tiếng Anh cấp THCS xuống dạy bộ môn này cho cấp tiểu học. Số tiết dạy của những giáo viên này được bố trí, sắp xếp sao cho hợp lý để không tạo áp lực và quá tải cho thầy cô.

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 23 trường tiểu học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện, phòng GD&ĐT tiến hành rà soát, bố trí giáo viên THCS trên địa bàn cùng xã xuống dạy cho học sinh lớp 3 từ năm học tới.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng tính đến phương án dạy học liên trường. Tức là: Với những xã, trường học gần nhau thì ở đâu thừa giáo viên sẽ được phân công hỗ trợ cho trường thiếu” – ông Dương Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề - trao đổi, đồng thời tính toán: Nếu vẫn không bố trí đủ giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cho bậc tiểu học, phòng GD&ĐT sẽ kiến nghị, đề xuất sở GD&ĐT huy động giáo THPT dạy tăng cường cho cấp học này. Tất nhiên sẽ có kinh phí hỗ trợ cho những đội ngũ dạy tăng cường.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung hơn 94.700 biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế; trong đó có 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, dân tộc thiểu số (trừ 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019). Đồng thời, tiếp tục xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên các môn học của cấp THCS và THPT để điều chuyển giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác dạy cùng môn học; các chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, liên môn.

Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết số giáo viên dư thừa phù hợp với từng đối tượng như: Những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực và có nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì đưa đi đào tạo văn bằng hai hoặc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để dạy các môn học còn thiếu, đặc biệt là môn học mới như Tin học, Tiếng Anh và Công nghệ cấp tiểu học, môn Nghệ thuật cấp THPT... Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất ở cấp tiểu học để dạy 2 buổi/ngày (đủ 9 buổi/tuần) theo quy định.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao chưa sử dụng (không để dành chỉ tiêu để cắt giảm 10% cho việc thực hiện tinh giản biên chế một cách cơ học) cho các cấp học, môn học còn thiếu; trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo giaoducthoidai.vn