Ô nhiễm không khí, mối quan tâm của toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Sau quá trình kiểm tra và nghiên cứu, các chuyên gia cho biết nguyên nhân đến từ khí thải sulfur-dioxide từ các nhà máy nhiệt điện than.

Đến năm 1979, Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp quốc về châu Âu (UNECE) đã thành lập Công ước mang tính bước ngoặt về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tầm xa nhằm giảm lượng khí thải độc hại. Tuy phải mất đến 4 năm để công ước được phê chuẩn, song trong 40 năm qua, lượng khí thải sulfur-dioxide đã giảm đi đáng kể. Dù vậy nhìn chung, hành trình của công ước vẫn còn rất dài. Với một lực lượng đặc nhiệm mới về ô nhiễm không khí sẽ họp lần đầu tiên vào tháng 10, các bài học từ châu Âu có thể chỉ ra con đường dẫn đến một công ước toàn cầu về ô nhiễm không khí.

Giới chuyên gia nhận định, tất cả ô nhiễm đều có thể xuyên biên giới. Cho dù đó là hạt nhựa trong đại dương hay khí Nitơ thải ra thải ra từ hoạt động canh tác... Ô nhiễm không có sự phân biệt hay đặc cách cho bất cứ biên giới có chủ quyền nào. Ngay cả với Australia, với khối lục địa và các đại dương rộng lớn xung quanh cũng đã và đang góp phần lớn vào tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu do tình trạng khẩn cấp về cháy rừng gây nên do “Mùa hè đen tối” xảy ra trong giai đoạn 2019 - 2020.

Trong một thông tin có liên quan, trọng tâm của ô nhiễm không khí đã chuyển từ châu Âu vào cuối thế kỷ 20 sang châu Á. Ngay cả khi châu Âu cải tổ ngành công nghiệp của mình, khu vực cũng chuyển tiến trình sản xuất hàng hóa sang các thị trường lao động rẻ hơn. Hiện nay, châu Á là điểm nóng về khí thải gây ô nhiễm không khí.

Khi xếp hạng theo mức độ ô nhiễm từ các hạt bụi mịn, 6/10 thành phố hàng đầu đều ở khu vực châu Á. Gần 60% tổng số ca tử vong trên toàn cầu do ô nhiễm bụi mịn gây ra là ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Một vấn đề cấp bách ở Đông Nam Á là khói bụi từ nông nghiệp. Đất canh tác thường được phát quang bằng cách đốt nương làm rẫy, tàn dư cây trồng cũng được đốt đi để dọn đường cho mùa vụ năm sau. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Kalimantan và Sumatra của Indonesia, nơi có những vùng đất rộng lớn được khai phá để trồng dầu cọ và gỗ. Vào các năm 1997, 2005 và 2019, Indonesia đã trải qua các trận cháy rừng lớn với khói mù mịt lây lan đến các nước láng giềng trong vòng nhiều tuần.

Để đối phó với cháy rừng ở Indonesia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã soạn thảo một hiệp định đa phương về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới vào năm 2002. Hiệp định có hiệu lực vào năm 2003 và Indonesia là quốc gia cuối cùng phê chuẩn hiệp định vào năm 2015.

Tuy nhiên, dù vậy, khói mù chỉ là một ví dụ về ô nhiễm không khí. Ngay cả khi thỏa thuận được đưa ra, ô nhiễm không khí xuyên biên giới sẽ tiếp tục là một thách thức ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, cho đến khi toàn thế giới nhất trí chung tay giải quyết vấn đề.

Công ước UNECE về ô nhiễm không khí xuyên biên giới tầm xa được soạn thảo để giải quyết vấn đề ô nhiễm khí thải Sulfur-dioxide kể từ đó đã mở rộng để giải quyết ô nhiễm các chất bao gồm Oxit Nitơ, Amoniac, cũng như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hạt bụi mịn, chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và kim loại nặng. Được biết, chất lượng không khí ở châu Âu tuy chưa hoàn hảo, song vẫn tiếp tục được cải thiện. Do đó, ASEAN và thế giới có thể xem công ước UNECE như một khuôn mẫu để xây dựng khuôn khổ cho chính mình.

Nhìn chung, ô nhiễm không khí là một vấn đề rất lớn. Điều này được thể hiện rõ nhất khi cứ 9 ca tử vong trên toàn cầu có 1 ca là do ô nhiễm không khí gây nên. Hiện thế giới đã và đang chứng minh rằng các thỏa thuận quốc tế hiệu quả đang được tạo ra để giải quyết các vấn đề ô nhiễm. Lực lượng đặc nhiệm hợp tác quốc tế về ô nhiễm không khí mới chỉ là bước đi đầu tiên. Nếu thế giới nhanh chóng tiến đến thiết lập một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm không khí xuyên biên giới, điều này có thể cứu sống nhiều người và tạo ra những vùng đất và nước sạch hơn trong tương lai sau này.

Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)