Quê tôi nhiều ao đầm lắm. Sau khi đắp bờ và thả cá giống, trông chờ mãi thì mỗi năm, vào mùa hè, những người dân quê tôi mới vào vụ tát bàu, thu cá. Chỉ là những cái tên giản dị, nhưng tuổi thơ của lũ trẻ làng quê chúng tôi lớn lên đã quen thật quen với nào là bàu Năm Mẫu, Bảy Mẫu, Chợ...

Cứ vào độ này, khi nước cạn dần và mặt trời cũng trở nên chói chang, những người lớn trong làng lại chuẩn bị cho một mùa tát bàu mới. Trung bình, mỗi bàu có từ 5 - 7 nhà cùng hùn vốn để mua cá giống, mua rong rêu, đắp đập, giăng lưới để vỗ béo cá. Nhà tôi cũng từng làm chung với những gia đình khác, họ không phải ai xa lạ, đều là những cô, những chú gần sát nhà tôi, quanh năm suốt tháng ra ngõ là chạm mặt nhau.

Khi lứa cá dần lớn lên thì lịch thức giữ bàu xuyên đêm ở lều canh của ba tôi ngày càng dày đặc. Bận rộn thay phiên nhau, chờ tới ngày quyết định tát bàu đến lúc cá đã yên ổn nằm trong lưới, ba mạ tôi hầu như không ngủ. Công cuộc tát bàu này kéo dài đến cả chục ngày liền, và cho tới ngày cuối thì cả làng tôi cũng sục sôi, rộn ràng những âm thanh như trẩy hội.

Không biết từ khi nào, những người dân ở làng tôi đã quen với tiếng í ới mỗi dịp này. Thông thường, mới 9 - 10h đêm là ba mạ tôi đã ra khỏi nhà. Máy bơm nước chạy suốt đêm, hì hục đến gần sáng thì những mớ các chép, cá trắm cỏ, cá chim, cá rô phi, cá rô đồng...cũng dần dần đầy lên trong các thùng, dãy thau. Nhanh nhẹn cân cho thương lái, số còn lại mạ tôi cùng các cô, các dì quẩy cả ra chợ. Ra đến nơi ngồi ấm chỗ rồi mà mặt trời mới lấp ló sau rặng tre.

Sau này, tuy ba mạ tôi không còn hùn vốn vào nuôi cá trên bàu nữa, nhưng mỗi mùa tát bàu vẫn là mùa rộn ràng của lũ trẻ chúng tôi. Canh giờ làm sao để bàu cạn nước nhất, anh em tôi hòa với lũ lượt người làng mang rổ rá, bao bị, đội mũ để ra bàu. Khi ra đến nơi, cảnh tượng trước mắt đã làm chúng tôi choáng ngợp.

Trên bàu, hàng chục, hàng trăm người cười nói rổn rảng. Dưới bàu cũng là hàng chục người khác, có cả các anh thanh niên trai tráng trong làng, và mươi lũ nhóc sàng sàng tuổi chúng tôi. Mọi người ai cũng vui vẻ, người nơm cá, người dùng rá rổ xúc, người mò cá dưới ao bùn. Bởi rằng ở quê tôi, cứ thông lệ sau khi tát bàu, mọi người đều vui vẻ chia nhau những phần cá còn sót lại. Bởi thế, năm nào được mùa, không chỉ chủ ao vui, mà cả làng đều vui theo. Ngược lại, năm nào cá mất mùa, nỗi buồn không chỉ hiu hắt trên mặt chủ bàu mà những ai đã quen với việc đi vét cá cũng buồn thiu, y như mớ cá đói ốm mà họ tận lực bắt từ sáng đến trưa lèo tèo trong rổ.

Lớn lên rời làng đi làm ăn xa, đã lâu lắm rồi tôi không còn lúc thúc theo chân anh mình ra bàu bắt cá. Sau này, mỗi mùa tát bàu về, dân làng cũng ít hồ hởi mò bắt cá sót vì đời sống ngày càng được nâng cao. Nhưng với tôi, cảm giác hứng khởi từ đôi bàn chân nhỏ bé dẫm lên bùn mát rượi, cái rá màu xanh đỏ khi thì đựng con tôm, con tép, hí hửng may mắn khi vớ được mấy chú cá bống, cá thệ hay mớ cá rô, cá diếc còn sót lại vẫn vô cùng chân thực.

Chẳng riêng gì tôi, anh tôi, bao nhiêu người bạn thuở thiếu thời và cả biết bao người làng nữa, với họ, những ngày tát cá ở bàu là những mùa lễ hội. Là nơi để sớt chia cho nhau nỗi buồn khi mất mùa, và hồ hởi chúc mừng nhau khi vụ cá được như ý nguyện. Những ngày tháng đẹp đẽ ấy được vun bồi qua mỗi mùa tát bàu, hằn sâu vào ký ức không thể nào quên.

MAI HUẾ