Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh ở Pháo đài Đỏ, thành phố Delhi. Ảnh: Reuters/Baoquocte

“Cách thế giới nhìn nhận về Ấn Độ đang thay đổi. Sự đa dạng của Ấn Độ là sức mạnh của chúng tôi. Nền dân chủ mang lại cho Ấn Độ sức mạnh để vươn lên tầm cao mới”, Thủ tướng Modi khẳng định.

Kể từ khi giành được độc lập, Ấn Độ đã xây dựng một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, là nơi sinh sống của một số người giàu nhất thế giới, và theo LHQ, dân số nước này sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, song song với sự giàu có ngày càng tăng của đất nước, nghèo đói vẫn là một thực tế hàng ngày đối với hàng triệu người Ấn Độ và nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể của một quốc gia đa dạng và đang phát triển với nhiều ngôn ngữ và tín ngưỡng khác nhau.

Sự trỗi dậy của một cường quốc kinh tế

Sau khi giành được độc lập, Ấn Độ rơi vào tình trạng hỗn loạn với nhiều cuộc xung đột, và nghèo đói là điều không tránh khỏi.

Tuổi thọ trung bình trong những năm sau độc lập chỉ là 37 đối với nam và 36 đối với nữ, và chỉ 12% người Ấn Độ biết chữ. Theo các học giả, GDP của Ấn Độ vào thời điểm đó khoảng 20 tỷ USD.

Ba phần tư thế kỷ trôi qua, giờ đây nền kinh tế gần 3.000 tỷ USD của Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Ngân hàng Thế giới đã nâng xếp hạng của Ấn Độ từ tình trạng thu nhập thấp lên thu nhập trung bình - một khung biểu thị tổng thu nhập quốc dân trên đầu người từ 1,036 USD - 12,535 USD.

Tỷ lệ biết chữ đã tăng lên 74% đối với nam giới, 65% đối với phụ nữ và tuổi thọ trung bình hiện nay là 70 tuổi. Cộng đồng người Ấn Độ đã hiện diện ở nhiều khu vực, theo học tại các trường đại học quốc tế và nắm giữ các vị trí cấp cao trong một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, như Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella và ông chủ Twitter Parag Agrawal.

Phần lớn sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi “những cải cách đột phá” vào những năm 1990, khi Thủ tướng khi đó là PV Narasimha Rao và Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh đã mở cửa đất nước cho đầu tư nước ngoài, sau một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng và lạm phát tăng cao.

Các cải cách đã giúp gia tăng các khoản đầu tư từ các công ty Mỹ, Nhật Bản và Đông Nam Á tại các thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai, Chennai và Hyderabad.

Kết quả là ngày nay, thành phố phía nam Bengaluru - được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Ấn Độ” - là một trong những trung tâm công nghệ lớn nhất của khu vực.

Đồng thời, Ấn Độ cũng chứng kiến ​​sự gia tăng của những người siêu giàu. Nước này hiện là quê hương của hơn 100 tỷ phú, tăng mạnh so với chỉ 9 người vào đầu thiên niên kỷ này.

Tuy vậy, các nhà phê bình cho rằng sự gia tăng của những người siêu giàu cho thấy sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại rất lâu sau khi nước này thoát khỏi vị trí thuộc địa. Theo Oxfam, 10% người giàu nhất Ấn Độ đang nắm giữ 80% tài sản của cả nước vào năm 2017.

Học sinh Ấn Độ chào đón Ngày Độc lập ở Chennai, bang Tamil Nadu. Ảnh: AFP/Baoquocte

Tham vọng trên trường thế giới

Ngoài kinh tế và địa chính trị, sự giàu có ngày càng tăng của Ấn Độ đang nuôi dưỡng tham vọng của nước này trong đa dạng các lĩnh vực như: thể thao, văn hóa và không gian.

Theo McKinsey, năm ngoái, nước này đã chi gần 2 tỷ USD cho chương trình không gian quốc gia, chỉ đứng sau hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc, nhưng tham vọng trong lĩnh vực không gian của Ấn Độ ngày càng lớn. Nước này dự kiến ​​sẽ thực hiện sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên vào năm 2023.

Nước này cũng đang tận dụng sự giàu có ngày càng tăng để đẩy mạnh các tham vọng trong lĩnh vực thể thao. Được biết, chính phủ đã mạnh tay chi 297,7 triệu USD cho lĩnh vực này trong năm 2019, trước khi COVID-19 lan rộng.

Và Bollywood - nền công nghiệp điện ảnh trị giá hàng tỷ USD của Ấn Độ, tiếp tục thu hút người hâm mộ trên toàn thế giới, đưa tên tuổi của những nghệ sĩ trong nước trở thành siêu sao toàn cầu, thu hút hàng triệu người theo dõi trên các mạng xã hội.

Bình luận về bước phát triển của nước này, ông Shruti Kapilla, giáo sư lịch sử Ấn Độ và tư tưởng chính trị toàn cầu tại Đại học Cambridge cho rằng “Ấn Độ là một quốc gia mạnh mẽ… Trong vài thập kỷ qua, mọi thứ đã thay đổi. Văn hóa Ấn Độ đã trở thành một lĩnh vực được quan tâm”.

Thách thức và tương lai

Mặc dù vậy, vẫn còn đó những thách thức khi Ấn Độ vẫn đang phải tìm cách “phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo”. GDP của Ấn Độ tuy lớn và đang tăng trưởng, nhưng đây vẫn là một quốc gia “nghèo sâu sắc” về một số phương diện, và đó là một “mối lo ngại to lớn”, nhà tư vấn Venkat cho biết.

Theo dự liệu gần đây nhất của World Bank, năm 2017, khoảng 60% trong số gần 1,3 tỷ người của Ấn Độ đang sống với mức dưới 3,1 USD/ngày, và phụ nữ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vốn rất phổ biến ở quốc gia này.

Ấn Độ cũng đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Các đợt nắng nóng gần đây, với mức nhiệt trung bình ở một số vùng của đất nước đã tăng lên mức kỷ lục, đang đặt ra nhiều thách thức cho người dân. Và rõ ràng, những người nghèo nhất của đất nước sẽ chịu nhiều tổn thương nhất, khi họ phải làm việc ngoài trời trong cái nóng gay gắt, và khả năng tiếp cận với các công nghệ làm mát rất cần thiết để đối phó với nắng nóng lại rất hạn chế.

Ông Rohan Venkat, nhà tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Tổ chức tư vấn Ấn Độ nhận định, trong 75 năm đầu tiên, chính quyền New Delhi đã đảm bảo sự tồn tại của cái tên Ấn Độ. Nhưng trong 75 tới, nước này cần phải vượt qua những thách thức to lớn để trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu thực sự, chứ không chỉ đứng đầu về dân số.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNN)