Cẩn thận kiểm tra độ bén của dao trước khi giao cho khách

Trên chiếc xe đạp, xe máy có phần cũ kỹ chở theo bộ đồ nghề, những người thợ mài dao kéo vẫn rong ruổi khắp đường kiệt, ngõ xóm để mưu sinh.

Chú Hơn (quê Quảng Nam) dừng xe, tấp vào một quán ăn trên đường Nguyễn Sinh Cung, chị chủ quán đon đả cùng với lời trách nhẹ nhàng: “Chú đi đâu mà mất hút cả tháng nay vậy, chờ chú dao kéo nhà tôi cùn hết rồi !”. Vừa nói chị chủ quán vừa mang ra cho anh mấy con dao và kéo.

Chú Hơn cười hiền lành: “Nhà có việc nên tôi về quê ít hôm, biết lâu ngày nên ra Huế là tôi tới quán chị liền” rồi lại từ tốn dỡ đồ nghề ra làm việc.

Giá mài từng loại dao khác nhau: nhỏ 10 ngàn đồng, lớn 15 ngàn đồng, loại dao mẻ, sứt cán tra lại 20.000 đồng…

Từ Quảng Nam, cùng chiếc xe máy “cà tàng”, chú Hơn lặn lội ra Huế làm nghề mài dao kéo kiếm sống. Hàng ngày, chú rong ruổi khắp các con phố, rồi tới đâu ăn cơm ở đó. Buổi trưa, chú hay ngồi nghỉ ở các quán nước hay gốc cây, ghế đá nơi công viên. Tối đến chú về nhà trọ thuê ở đường Trần Phú. “Mặc dù là nghề lưu động, nhưng tôi cũng gắn bó với thành phố Huế trên chục năm. Chủ yếu tôi thường mài dao quanh thành phố, thỉnh thoảng có đi về các xã vùng ven. Làm nghề này thì hên, xui là chủ yếu. Có hôm gặp may, một người kêu tới mài dao là cả xóm cùng xúm lại mài. Còn có ngày đi “rạc” chân cũng chỉ đủ tiền xăng xe, ăn uống”.

Còn chú Tuấn (quê Phú Vang), sau khi bị tai nạn lao động do đi phụ hồ, chú không thể làm việc nặng như trước nên sắm cho mình bộ đồ nghề để lên Huế mài dao kéo dạo. “Chọn nghề này bởi ai cũng nói tôi rất có tay mài dao, ở nhà cứ rảnh là hàng xóm lại đưa dao qua nhờ mài giùm. Thử mà thành thật, vậy là cũng được hơn 5 năm tôi theo nghề này, không phải giàu có gì nhưng thu nhập cũng không đến nỗi”, chú Tuấn bộc bạch.

Khi được hỏi thu nhập, những người thợ mài dao chỉ nói áng chừng, coi như đủ ăn và dành dụm được một ít để nuôi con. Bởi nghề này không phải có thu nhập cố định hằng ngày. “Công mài mỗi con dao, kéo 10-20 ngàn, nhưng siêng nhặt chặt bị. Thường thì mỗi nhà khi có nhu cầu mài dao kéo thì phải mài vài con một lần, nên ngày nào kiếm được năm bảy mối khách hàng thì cũng có thu nhập khá khá. Làm nghề gì cũng phải uy tín, dao mài phải bén được lâu, có thế khi tới lần hai, ba khách mới thuê mình mài dao tiếp”, chú Tuấn trải lòng. Bất kể nắng mưa, những người thợ mưu sinh bằng nghề mài dao kéo vẫn miệt mài rong ruổi trên khắp các con đường để tìm khách hàng. 

Theo chân chú Tuấn đi đến một số xóm nhỏ, nghe tiếng rao mài dao kéo, một số phụ nữ trong xóm kêu chú lại. Nhận những con dao từ khách, chú cẩn thận kiểm tra từng con mới tiến hành mài. Bất cứ dao to, dao nhỏ chú cũng mài tới mài lui, vừa mài vừa kiểm tra độ sắc của dao. Khi nào kiểm tra thấy vừa ý mới nhận tiền của khách.

Cũng không phải là nghề nặng nhọc, nhưng nghề mài dao kéo cũng khá kén người. Phải có năng khiếu và thời gian theo nghề nhất định mới có tay nghề ổn định, có tay nghề ổn định thì mới có nhiều khách hàng quen.

Chị Thúy, ở đường Trần Cao Vân cho biết: Dao mới mua chưa chắc bén bằng dao cũ mài lại. Nhiều thợ mài có tay, mài dao xong dùng cắt đồ rất ngót. Do vậy, mỗi lần thợ mài dao kéo vào xóm là chị em nội trợ chúng tôi lại thi nhau lôi “đồ nghề” ra để nhờ thợ mài.

Giữa những con đường sầm uất, phố xá tấp nập, vẫn có những người thợ thủ công, gắn bó với những nghề “mọn” như thế. Tiếng rao “mài dao kéo” lọt thỏm giữa lòng thành phố náo nhiệt, đông đúc, nhưng vẫn “trường kỳ” bám trụ chưa bao giờ biến mất. Chính những nghề dung dị như mài dao kéo khiến cho cuộc sống ở thành phố đa sắc hơn.

Bài, ảnh: Thảo Vy