Trà sữa trân châu ngày càng trở thành thức uống được ưa thích. Ảnh minh hoạ: cooky.vn

Được thực hiện bởi tổ chức liên doanh Momentum Works và công ty giải pháp thanh toán kỹ thuật số Qlub nhằm tìm hiểu về sự bùng nổ của ngành kinh doanh trà sữa trân châu, nghiên cứu cũng cho thấy thị trường tiêu thụ trà sữa lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia, với doanh thu hàng năm ước tính khoảng 1,6 tỷ USD. Tiếp đến là Thái Lan với doanh thu hàng năm 749 triệu USD từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác. Thị trường đứng thứ 3 trong khu vực là Việt Nam, khi người Việt chi khoảng 362 triệu USD (khoảng 8.400 tỷ VND) để uống trà sữa trong một năm.

Singapore, quốc gia nhỏ nhất trong khu vực, đứng thứ 4 với doanh thu hàng năm ở mức 342 triệu USD. Tuy nhiên, người tiêu dùng Singapore được cho là có sức mua cao nhất, vì giá trung bình của một đơn hàng trà sữa ở nước này cao gấp gần 2 lần so với các nước khác trong khu vực. Điều này khiến Singapore trở thành một điểm đến tuyệt vời cho các thương hiệu trà sữa cao cấp, các nhà nghiên cứu cho hay.

Hiện tại, có hơn 60 thương hiệu trà trân châu đang hoạt động với nhiều mức giá và thị hiếu khác nhau tại Singapore, và đây được xem là điểm xuất phát đầu tiên ở Đông Nam Á cho các “thương hiệu cao cấp” như Heytea.

Mặc dù ngành công nghiệp trà sữa ở Đông Nam Á từ lâu đã bị thống trị bởi các thương hiệu Đài Loan (Trung Quốc) và các các thương hiệu nội địa của từng nước, nhưng điều này có thể sắp thay đổi khi một loạt các thương hiệu của Trung Quốc đại lục đang tìm đường vào các thị trường Đông Nam Á.

Với doanh thu hàng năm ước tính khoảng 20 tỷ USD, thị trường trà sữa Trung Quốc đã chứng kiến ​​một số thương hiệu nổi tiếng trong nước như Mixue, Chagee và Heytea thâm nhập vào Đông Nam Á, nối đuôi các tên tuổi trước đó như Gong Cha và Koi.

Thị trường lợi nhuận cao, nhưng ít khác biệt

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mặc dù lợi nhuận cao, nhưng rất ít cửa hàng trà sữa có lãi.

“Ngành trà sữa trân châu có tỷ suất lợi nhuận gộp sản phẩm tốt, từ 60% đến 70%. Tuy nhiên, rất ít thương hiệu có thể đạt được lợi nhuận liên tục ở quy mô lớn”, các tác giả nghiên cứu kết luận.

Báo cáo trích dẫn ví dụ như Nayuki - thương hiệu trà đầu tiên niêm yết lên sàn, đã chứng kiến vốn hóa thị trường giảm hơn 70% kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Ngoài ra, trong ngành cũng lan truyền một câu nói rằng cứ 10 cửa hàng trà sữa thì có đến 9 cửa hàng thua lỗ.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trà sữa của khách hàng. Theo nghiên cứu, khách hàng cũng quyết định chọn mua thương hiệu trà sữa nào dựa trên việc lựa chọn sản phẩm tại các cửa hàng, cũng như việc dễ dàng tiếp cận, tức dựa vào số lượng cửa hàng mà thương hiệu đó có.

Trà sữa ngày càng có nhiều lựa chọn hơn để phục vụ khách hàng. Ảnh: Dienmayxanh.com

Ngoài ra, các thương hiệu trà sữa cũng đang cung cấp nhiều lựa chọn có ý thức về sức khỏe hơn để phục vụ khách hàng, thông qua lượng đường có thể tùy chỉnh và các lựa chọn thay thế “lành mạnh hơn” như trà trái cây tươi pha sẵn.

Theo nghiên cứu, có ba nguyên tắc cơ bản để xây dựng một doanh nghiệp trà trân châu thành công, bao gồm việc xây dựng một sản phẩm chủ lực phù hợp để thu hút những khách hàng đầu, đạt được lợi nhuận tại một cửa hàng và mở rộng mô hình trong khi vẫn duy trì triển vọng kinh tế tích cực.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng chuỗi cung ứng cho các cửa hàng trà sữa trân châu có thể gặp nhiều thách thức hơn trên sàn thương mại điện tử do nhu cầu cao về độ tươi của nguyên liệu.

Theo ông Sik Hoe Yong - Giám đốc điều hành của Qlub, nhiều người trẻ ở Đông Nam Á mong muốn sẽ mở cửa một cửa hàng trà sữa vào một ngày nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng dù có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng thị trường trà sữa là một trò chơi mang tính khác biệt hóa thấp, với các sản phẩm dễ sao chép và chuỗi cung ứng đầy thách thức. 

“Đại dịch là một quá trình chọn lọc tự nhiên khi nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, tình yêu của người tiêu dùng đối với trà sữa trân châu sẽ không dễ thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng họ sẽ chỉ lựa chọn những thương hiệu mà họ yêu thích”, ông Sik Hoe Yong nhận định.

Song song đó, Giám đốc điều hành Momentum Works, ông Li Jianggan cho rằng thị trường trà sữa đang “phân mảnh”, với đủ chỗ cho các công ty lớn nhỏ cùng tồn tại và phát triển.

Dù vậy, sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc vốn giỏi về xây dựng thương hiệu, sản phẩm, chuỗi cung ứng và quản lý chi phí có thể đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các công ty nội địa hiện có. Theo các nhà phân tích, không khó để quan sát và tìm hiểu cách vận hành cũng như chiến lược của các công ty này, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo triển vọng kinh tế tích cực và lợi tức đầu tư tốt.

Tại thị trường Việt Nam, thông tin trong nước cho biết cả nước hiện có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt, và con số này có xu hướng sẽ tăng nhanh do một loạt thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Business Times & CNA)