Giáo viên ở TP. Huế cơ bản được đáp ứng
Quyết định bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên theo Quyết định số 72 - QĐ/TW của Bộ Chính trị là tin vui với các địa phương, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn về biên chế giáo viên của các cơ sở giáo dục hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi về các tỉnh, trong đó yêu cầu các cơ sở tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học từ nay đến năm 2026. Từ đó, có báo cáo gửi GD&ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 để bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Hiện nay, lực lượng đội ngũ giáo viên ở Thừa Thiên Huế vẫn đang thiếu, tập trung ở cấp bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Chương trình Giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới, yêu cầu bổ sung thêm giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, tin học... Đội ngũ giáo viên này ở Thừa Thiên Huế đều thuận lợi đáp ứng được.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, có được thuận lợi này là nhờ ở sự tranh thủ điều kiện về nguồn nhân lực tại địa phương. Theo đó, Huế có Trường đại học Sư phạm Huế, cái nôi đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Học viện Âm nhạc, một trong ba trung tâm lớn trong đào tạo lĩnh vực về âm nhạc... Đây là những thuận lợi của Thừa Thiên Huế khi triển khai dạy học các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.
Một số trường có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ khi có người nghỉ hưu, sinh con, nghỉ bệnh. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập; nhất là, vẫn còn 1.600 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định… Mặt khác, việc dự báo, tính toán nhu cầu của các địa phương chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... dẫn đến thiếu giáo viên.
Bà Ngô Thị Ái Hương, Phó Chủ tịch UBND TX Hương Thủy cho hay: Thực tế, trên địa bàn tuyển giáo viên tiểu học khó khăn. Nhu cầu tuyển không bao giờ đủ. Mới đây, chỉ tiêu của ngành giáo dục tuyển 30 giáo viên, tuy nhiên, chỉ có 15 người nộp hồ sơ. Lý do, số sinh viên trên địa bàn đăng ký thi tuyển không nhiều, còn các địa bàn lân cận lại càng khó tuyển dụng.
Có rất nhiều phương án để điều chỉnh thừa, thiếu giáo viên ở các địa phương. Chẳng hạn, có những môn học ít số tiết, lại ít lớp thì không nhất thiết bộ môn đó phải có một biên chế. Ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế cho biết, năm học 2020-2021 ngành được phân bổ chỉ tiêu biên chế cho giáo viên. Tuy nhiên, TP. Huế đã có sự điều chỉnh cho hợp lý, chẳng hạn, một số giáo viên chuyển về gần nhà; chuyển giáo viên từ vùng thừa, sang vùng thiếu; luân chuyển giáo viên từ trường lớn về các trường nhỏ để nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý. Điều chuyển giáo viên ở các trường mới mở rộng để phân bố về các trường ở trung tâm TP. Huế.
Bài, ảnh: Huế Thu