Là con gái nhưng tôi không loanh quanh mấy trò nhảy dây, bắt nẻ. Thì bạn nghĩ mà coi, trẻ nhỏ đứa nào chẳng ham chơi. Muốn chơi thì phải có trò, phải có đạo cụ hỗ trợ. Con nhà nghèo chỉ được mua đồ chơi trong… mơ thôi. Vậy là phải tự thân vận động. Lại thêm trẻ con cả thèm chóng chán. Nên tôi và mấy chiến hữu không thủy chung với một trò chơi nào hết. Đổi vị đổi kiểu liên tục. Nhưng trò chơi không chán là trò đồ hàng (nấu nướng, buôn bán). Hôm nào cũng làm đục hết thùng nước để dành nấu nướng của mẹ. Chúng tôi đem củi chà vô chất đầy hè, hái lá dâm bụt (mềm, dẻo) xén to xén nhỏ, lấy xoong nồi chén bát ra xếp gạch nấu cơm canh chờ ba mẹ về ăn, tiếc là không dám mồi lửa. Bữa thì to gan hơn, bán chè. Chè đậu đen. Chế biến bằng cách hái những hạt mồng tơi chín, dằm nát ra rồi chế nước vào khuấy. Ly bán chè là mấy cái tách uống trà của ba. Trong nhà chán chê thì ra vườn. Cầm những cây ớt cây cà nhổ lên. Dưa leo, bí bầu hễ trái là đè đầu vặt cổ, băm to băm nhỏ. Hậu quả của chuyện “bày binh bố trận” là chiều đi làm về, chưa kịp bỏ thúng gánh xuống mẹ đã mắng xơi xơi, con gái con mắm chỉ được món phá nhà, phá cửa… Còn ba tôi, ông hiền như đất nhưng nhìn bãi chiến trường của “đội bạn” cũng chỉ biết cười méo xệch. Ba ra quyết định hơi ép (chắc là có hội ý với mẹ) - đôn tuổi lên, nhét tôi vô lớp một. Nhét thẳng vào lớp một luôn, đốt cháy giai đoạn mẫu giáo.

Có lệnh phải đi học. Trời ơi! Tôi thích ở nhà chơi với bạn cơ. Mẹ dụ, đi học để biết: “O tròn như quả trứng gà…”. Tôi cần chi biết mấy thứ đó. Tôi chỉ cần biết chơi đồ hàng là đủ rồi. Tôi khóc không chịu đi học.

Nghĩ đến cảnh sẽ bị đưa vô “khuôn khổ” - như lời của chị Hai - tôi hình dung cô giáo ở trên trường nếu không bằng chắc cũng em em mấy mụ phù thủy. Mắt to, mũi lồi, bộ dạng cực kỳ sát thủ. Nghĩ vậy rồi đâm hoảng.

Nhà không gần trường học. Ngày thường, phải khi nào được về ngoại chơi, tôi mới đi ngang qua trường học. Lần nào ngang qua cũng thấy im re im ru, chỉ văng vẳng tiếng thầy cô giảng bài. Không khí long trọng quá, không hợp với đứa ham chơi như tôi. Vì suy nghĩ ấy mà ngày đầu tiên đến trường, tôi cứ thủng thẳng đi, đi thiệt chậm, tới trường bị đuổi về càng tốt. Nhưng hôm đó chưa kịp kêu mỏi chân mẹ đã đẩy vào cổng, vô lớp đi con, đi học cho đàng hoàng lễ phép với người ta.

Trường học không im ắng như mọi bận mà ồn ào, náo nhiệt. À, ngày khai giảng. Tôi đứng ngoài cổng trường, đưa mắt bao quát một lượt. Ngôi trường đẹp đẽ, uy nghiêm. Bên lễ đài, các thấy cô khẩn trương đi qua đi lại, chắc đang chuẩn bị cho buổi lễ. Sân trường là một cánh đồng áo trắng quần xanh. Những học trò cũ chạy nhảy, nói cười rổn rảng. Mấy đứa lớp một (có tôi) đứng rụt rè bẽn lẽn ngoài cổng, nếu vào thì cũng tìm bức tường, cái trụ đứng nép vào. Chúng tôi y như những chú bê lạc mẹ, phải tìm nơi nào đó để dựa lưng vào, tìm cảm giác che chở. Nếu phải đứng một mình, tôi tin đứa nào cũng có thể ngã quỵ. Thảm hơn, có mấy đứa con gái mắt đỏ hoe, chắc vừa khóc xong khi bị mẹ đẩy vào cổng trường.

Không khí ngày khai trường rộn ràng, tấp nập nhưng cảm giác bỡ ngỡ, sợ sệt xâm chiếm hoàn toàn. Còn nhớ, lúc đứng trước cổng trường, tôi vẫn bám chặt tay mẹ. Mẹ phải gỡ tôi ra, bình thường nghịch ngợm, láu cá nhưng lúc đứng cách mẹ cánh cổng, tôi tim đập chân run, cảm giác bị ngợp.

Nhìn tới nhìn lui một hồi, nhìn ra cánh cổng, tôi thấy mẹ nấn ná chưa về, y như chết đuối vớ được áo phao, tôi co chân chạy thẳng ra cổng. Không để mẹ nói thêm lời nào, tôi đâm đầu chạy thẳng về nhà, chui vô giường trùm mền.

- Bé ơi, đi học mới vui.

- Ở nhà vui hơn.

- Chỉ em bé mới ở nhà chơi, con tới tuổi đi học rồi, ở nhà chơi mãi thầy hiệu trưởng sẽ gọi công an tới bắt nhốt.

Nghe tới “công an” là tái mặt liền, nhưng nỗi sợ phải gặp “bà phù thủy” ở trên trường làm tôi hãi hơn, tôi nói cứng:

- Không sợ công an bắt, bé chưa đủ tuổi đi học, bé còn tuổi chơi.

Vụ đôn tuổi, bỏ qua mẫu giáo để học lớp 1 hôm trước tôi có tình cờ nghe ba nói với mẹ rồi. Đừng hòng lừa tôi.

Vậy là ngày khai giảng đầu tiên, tôi chỉ mới bước qua cổng trường. Suốt ngày hôm đó, mẹ nói nhiều lắm, tôi biết mẹ dụ nên kiên quyết không “mắc lừa”. Tôi gom sách vở và bộ đồng phục cất kỹ, nhất định không đi học.

***

Sáng hôm đó, nhà có khách. Mẹ đuổi con Nhi, Nhiệm, Phê đi về, riêng tôi vào phòng khách.

Khách của mẹ sao tôi lại vô? Mấy đứa bạn chí cốt lom lom mắt nhìn rồi thì thầm: Hình như là cô giáo. Đúng rồi, mẹ giới thiệu cô Phấn dạy lớp 1. Vừa thấy tôi, cô Phấn nở một nụ cười thật tươi, khen:

- Cô bé trốn học đây hả? Ui chao, đáng yêu quá. Mặt mũi rất sáng sủa, chắc sẽ là học sinh giỏi. Không nhất cũng nhì.

Lời của cô giáo y như câu mở đường, mẹ tiếp ý liền:

- Dạ, vợ chồng tui cũng không dám mong con giỏi giang, chỉ muốn con tới trường học lễ phép nhưng khổ, con bé chỉ thích ở nhà chơi đồ hàng thôi cô.

Cô giáo nhìn tôi thật trìu mến, nhẹ nhàng giải thích:

- Cô biết những trò chơi ở nhà rất hấp dẫn, đặc biệt chơi đồ hàng. Hồi nhỏ cô cũng thích mấy trò này. Nhưng không được. Người ta sinh ra không phải suốt đời chỉ làm con nít, không chỉ chơi, còn phải học nữa. Nhưng nếu con muốn chơi thì lên trường cũng có. Hôm nào tới giờ ra chơi, các bạn cũng bày đủ trò, ở đó nhiều bạn, vui ơi là vui…

- Thế tới trường có chơi đồ hàng được không cô?

- Không kịp mà cũng không được, học sinh không chơi đồ hàng.

- Vậy cháu ở nhà, chơi đồ hàng thêm một năm nữa rồi đi học. Cháu chưa đủ tuổi học lớp 1 mà.

- Ai nói cháu chưa đủ tuổi đi học?

- Dạ, hôm bữa, cháu nghe ba nói đi làm giấy khai sinh, đôn tuổi cháu lên bắt vô lớp 1.

- Trời. Cháu nghe nhầm rồi. Là ngày xưa, hồi đó nhiều thứ còn lạc hậu nên công việc có nhiều sai sót, ví như chuyện giấy khai sinh của cháu làm bị nhầm. Nếu căn cứ theo tuổi trên khai sinh thì năm nay cháu phải học lớp 2 cơ, bị mất năm lớp 1 rồi. Mà cháu nghĩ mình học lớp hai được chưa?

- Dạ chưa.

- Đấy. Vì thấy cháu còn nhỏ xíu ham chơi nên ba cháu phải đi làm lại giấy khai sinh cho đúng tuổi để cháu vào lớp 1.

Nan giải thiệt. Hết cách rồi. Tôi đứng nghĩ, phải tìm lý do gì đó chính đáng hơn để được ở nhà, thoải mái chơi muôn trò mà chẳng sợ cô giáo Phấn “đưa vào khuôn khổ”. Tiêu tán đường rồi. Chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng thì cô Phấn xin phép về lo cơm nước. Trước khi rời nhà, cô nhìn tôi đầy yêu thương:

- Hồi xưa, cô cũng y như cháu bây giờ, nhứt định không chịu vào lớp 1. Nhưng khi đi học rồi, cô lại tiếc mấy ngày đầu năm không chịu đến trường, tiếc cho tới bây giờ. Bây giờ cô về, sáng mai nhớ đi học nghen.

Tôi lắc đầu ngay lập tức nhưng cô đã không kịp nhìn thấy, tại cô nói xong là ra xe về liền.

Cả đêm hôm đó, tôi nằm thổn thức. Cái “án” ngày mai đi học cứ lơ lửng trên đầu. Làm sao bây giờ? Cơ khổ. Con Nhiệm, Nhi và cả Phê nữa đều là “đàn em”, tụi nó còn chưa đủ tuổi đi mẫu giáo nên khi chơi cứ phải đóng vai những đứa con lễ phép của tôi.

Chị Hai có lần kể: Học trò ngồi im phăng phắc, tiếng con muỗi vo ve trên tường cũng nghe. Ra chơi có kịp chi đâu? Chạy tới chạy lui đã nghe “bùm, bùm…”. Không nghĩ nữa. Mệt. Nhưng nếu ngày mai không đi học sẽ ăn roi của mẹ liền. Sáng nay cô Phấn đã cứu dùm một bàn thua trông thấy rồi. Nhưng vẫn chưa muốn, không muốn đi học. Suy nghĩ vẩn vơ, ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng đó cố tình không dậy. Mẹ vào giường lay, ăn uống xong liền lấy cặp và bộ đồng phục đưa con gái. Mặc bộ đồ, mang cặp vào. Ba khen con gái ra dáng, tôi vẫn chùng bục, chẳng thể tươi rói như khi bắt đầu trận chiến đồ hàng. “Biểu đi học mà nó làm như mình sai đi ăn cướp!” - mẹ nói vậy khi thấy tôi bước “bịch, bịch” ra cửa. Ra tới cửa, có chiếc xe máy dừng lại. Ơ, là cô Phấn. Cô kêu, leo lên cô chở tới trường, các bạn đang chờ…

***

Chỉ một ngày, tôi đã làm quen được ba, bốn bạn. Chúng tôi ríu rít bên nhau. Và ngày hôm đó, tôi liên tục nhận được những ánh nhìn trìu mến và những lời khen của cô Phấn. Cô hiền lành, vui vẻ. Các bạn chơi rất vui. Tôi đã dẹp bỏ sạch sẽ ý nghĩ về “bà phù thủy” cầm cái roi dài đưa mình vào “khuôn khổ” trong ngày đầu tiên đi học.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN