Ngày 15/8 vừa qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Thừa Thiên Huế tổ chức đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội hoạt động với mục đích chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các khiếu nại của người tiêu dùng; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thị trường, cảnh báo cho người tiêu dùng về các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, phối hợp với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, dịch vụ…

Thuận mua - vừa bán là phương thức giao dịch truyền thống và đã hình thành từ hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và đa dạng hóa các phương thức trao đổi, mua bán nên nảy sinh nhiều phức tạp, tranh chấp giữa bên bán và bên mua. Đặc biệt, với sự tăng trưởng nhanh chóng của các mô hình kinh tế dựa trên nền tảng trực tuyến, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ qua thương mại điện tử bên cạnh đem lại nhiều thuận lợi, nhưng đi kèm là những rủi ro trong giao dịch và phần lớn thiệt hại thuộc về người tiêu dùng.

Theo thống kê của Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, trong giai đoạn 2019-2021, trung bình mỗi năm Bộ Công thương tiếp nhận và xử lý trên 200 khiếu nại, yêu cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các hành vi bị phản ánh, khiếu nại chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: bán hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhận được khác với quảng cáo, thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng, tự động hủy đơn hàng, không nhận được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi… Tuy nhiên, thực tế những tranh chấp còn lớn hơn nhiều, bởi chỉ những vụ việc lớn người tiêu dùng mới khiếu nại đến cơ quan chức năng và không phải người tiêu dùng nào cũng biết và chọn cách khiếu nại đến Bộ Công thương.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu là vấn đề luôn được các quốc gia quan tâm. So với các nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng (năm 1999). Tiếp đó là Luật Bảo vệ người tiêu dùng được ban hành năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Sau khi Luật ra đời và có hiệu lực, hàng loạt các văn bản liên quan cũng được xây dựng và ban hành nhằm đưa pháp luật bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Với quan điểm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội, ngoài hệ thống pháp luật, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời từ Trung ương đến địa phương sẽ góp phần đảm bảo sự giao dịch công bằng giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân. Việc cần làm trước tiên của hội là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn nữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để tránh.

 Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng cũng tự nâng cao khả năng nhận biết và trở thành người tiêu dùng thông minh khi chọn lựa hàng hóa, dịch vụ đúng chất lượng, giá cả; phương thức mua bán, giao dịch uy tín để tránh những rủi ro không đáng có. Đồng thời, hãy sử dụng quyền năng người tiêu dùng, nói không, thậm chí tẩy chay các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng biết cách và chọn đúng địa chỉ để trợ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, mà còn góp phần thúc đẩy, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh của cả doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định, xây dựng hình ảnh quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hoàng Minh