Xe tự lái có thể sẽ được vận hành ở Anh vào năm 2025. Ảnh minh hoạ: Dantri

Kế hoạch này cũng sẽ nhận được khoản đầu tư 100 triệu bảng Anh (119,09 triệu USD) từ Chính phủ Anh nhằm tăng tốc độ triển khai, trong đó, 34 triệu bảng Anh sẽ được giành cho việc nghiên cứu tính an toàn để xây dựng luật.

Trong thông báo ngày 19/8, Chính phủ Anh cho biết một số phương tiện có tính năng tự lái có thể sẽ được phép chạy trên các đường cao tốc vào năm tới, nhưng người dân vẫn cần có giấy phép để sử dụng chúng trên các loại đường khác nhau. Trong khi đó, việc triển khai rộng rãi hơn, bao gồm các xe hoàn toàn tự lái khác được dùng như phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao hàng sẽ không cần giấy phép và có thể hoạt động trong vòng 3 năm tới nếu kế hoạch này của chính phủ được thực hiện.

Những chiếc xe có khả năng tự lái, chẳng hạn như Teslas, đã khá phổ biến ở một số thành phố của Anh và các công ty như Google cũng đã và đang thử nghiệm xe tự lái trên các con đường công cộng ở Mỹ.

Công nghệ này dựa vào nhiều camera và tia laser để điều hướng và phát hiện các phương tiện, người đi bộ và các chướng ngại vật khác.

Những người ủng hộ xe tự lái cho rằng nó có thể giúp đường xá an toàn hơn và giảm thiểu lỗi của người lái xe, nhưng việc thử nghiệm cũng như các quy tắc và quy định xoay quanh công nghệ này vẫn đang được thực hiện để đảm bảo tính an toàn.

Theo Reuters, Chính phủ Anh đang tham vấn về vấn đề này và cho biết luật mới sẽ buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về hành động của chiếc xe khi nó tự lái hoàn toàn, có nghĩa là người lái xe sẽ không phải chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra.

Bộ Giao thông Vận tải Anh nói rằng nước này muốn tận dụng mọi cơ hội từ thị trường mới nổi của xe tự lái, được định giá 42 tỷ bảng Anh và ước tính có thể tạo ra 38.000 việc làm mới, đồng thời sẽ là cuộc cách mạng hóa giao thông công cộng.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Grant Shapps, công nghệ này có thể “cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và các dịch vụ quan trọng khác cho mọi người dân” và “làm cho các con đường trở nên an toàn hơn bằng cách giảm nguy cơ mắc lỗi của người lái xe trong các vụ va chạm trên đường”.

“Chúng tôi muốn Vương quốc Anh đi đầu trong việc phát triển và sử dụng công nghệ tuyệt vời này, và đó là lý do tại sao chúng tôi đang đầu tư hàng triệu bảng Anh vào việc nghiên cứu về tính an toàn và xây dựng luật để đảm bảo chúng ta đạt được đầy đủ lợi ích mà công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại”, ông nói thêm.

Ông Edmund King, Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Anh cho rằng đây là một bước nhảy vọt khá lớn từ lái xe có hỗ trợ - tức người lái vẫn làm chủ, sang tự lái – tức chiếc xe hoàn toàn tự kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu cách những phương tiện này sẽ tương tác với những người tham gia giao thông khác trên những cung đường khác nhau và trong điều kiện thời tiết thay đổi.

Quan trọng hơn, với tiềm năng có thể cứu sống hàng nghìn người khỏi các tai nạn giao thông và cải thiện khả năng vận động của người già, người khó khăn trong vận động, kế hoạch này rất đáng để theo đuổi, ông King khẳng định.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)