Người dân ở thành phố Los Angeles, Mỹ được tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây là khuyến nghị vừa được đưa ra trong một tuyên bố do Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược (SAGE) về Tiêm chủng công bố. Trong đó, đa số các loại vaccine COVID-19 bao gồm một liều cơ bản có 2 mũi tiêm, và mũi tăng cường đầu tiên sẽ được triển khai tiêm trong khoảng 4-6 tháng sau khi hoàn thành các mũi cơ bản, nhằm cải thiện phản ứng miễn dịch. “Ngày càng có nhiều bằng chứng về các lợi ích của mũi tăng cường thứ 2 trong việc khôi phục hiệu lực bị suy giảm của vaccine”, tuyên bố trên nói thêm.

Trong một phát biểu liên quan, Cố vấn y tế cao cấp của WHO, ông Joachim Hornbach cho rằng: “Chúng tôi đưa ra khuyến nghị này trên cơ sở các quan sát liên quan đến khả năng miễn dịch suy giảm, và nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan”.

Cũng theo SAGE, khả năng bảo vệ được cung cấp bởi các loại vaccine hiện tại sẽ giảm đi đáng kể trong vòng vài tháng. Qua đó, khuyến nghị tập trung vào sự cần thiết của mũi tăng cường thứ 2, giữa lúc biến thể Omicron đang tiếp tục là biến thể chiếm ưu thế. Khuyến nghị này không tính đến các biến thể trong tương lai, hoặc các loại vaccine nhắm mục tiêu vào các biến thể hiện đang trong giai đoạn phát triển.

Các yếu tố như khả năng miễn dịch có được từ vaccine và sau khi khỏi bệnh bị suy giảm, việc nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, sự xuất hiện tiềm tàng của các biến thể mới,... có thể dẫn đến sự tăng vọt của các ca nhiễm COVID-19 trong những tháng tới, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các mũi tăng cường thứ 2.

Được biết, mũi tăng cường thứ 2 nên được tiêm từ 4-6 tháng sau mũi tăng cường đầu tiên, hoặc càng sớm càng tốt sau khoảng thời gian đó. Ngoài ra, WHO sẽ đánh giá các loại vaccine mới đang được phát triển bởi những nhà sản xuất vaccine như Moderna và Pfizer, được điều chỉnh nhắm vào các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Dù vậy, SAGE nhấn mạnh, các loại vaccine hiện có tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ cao chống lại tình trạng bệnh nặng, và mũi tăng cường thứ 2 dành cho các nhóm dân số có nguy cơ "không nên bị trì hoãn”.

LÊ THẢO

 (Lược dịch từ UN News & Medical Xpress)