Theo thống kê (2016), bệnh Whitmore có tỷ lệ mắc bệnh là 165.000 trường hợp mỗi năm, trong đó có 138.000 ca xảy ra tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Khoảng một nửa bệnh nhân trong những trường hợp mắc bệnh sẽ chết. Đặc biệt, Đông Bắc Thái Lan là nơi ghi nhận có tỷ lệ mắc bệnh melioidosis cao nhất trên thế giới (tỷ lệ trung bình là 12,7 trường hợp/100.000 người/năm).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) (2018), bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong lên đến 40 - 60%, và được đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng.

Bệnh Whitmore

(Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh có tên khoa học Burkholderia pseudomallei – cũng là tên loại vi khuẩn gây ra căn bệnh chết người này (người ta thường gọi “vi khuẩn Whitmore” theo tên của người tìm ra nó). Vi khuẩn B.pseudomallei có thể lây truyền sang người và động vật trong môi trường nước và đất bị ô nhiễm.

Triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn Whitmore

Các dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nhìn chung, phải mất từ 2 - 4 tuần để các triệu chứng xuất hiện sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Ở một số trường hợp cá biệt, triệu chứng xảy ra ngay sau vài giờ hoặc có khi nhiều năm sau khi nhiễm khuẩn. Cũng có một số ít người mắc bệnh mà không có biểu hiện nào. Bệnh trải qua 4 giai đoạn với các dấu hiệu điển hình sau:

Nhiễm trùng cục bộ

Trong giai đoạn này, trên da bệnh nhân sẽ nổi những nốt sần đỏ, mưng mủ gây loét da, đau đớn và đi kèm cùng với một số triệu chứng như:

Sốt, sụt cân, đau bụng hoặc đau ngực, đau cơ hoặc đau khớp, đau đầu, co giật.

Đồng thời, các vết loét cũng xuất hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, lá lách và tuyến tiền liệt. Thậm chí, tình trạng nhiễm trùng còn xảy ra ở khớp, xương, hạch bạch huyết hoặc não.

Nhiễm trùng phổi

Thường khi vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào phổi, người bệnh mới nhận thấy những triệu chứng rõ ràng và đi khám. Các triệu chứng đó thường là:

Ho có đờm hoặc không có đờm, đau ngực khi thở, sốt cao, nhức đầu và đau nhức cơ, sụt cân. X-quang phổi của bệnh nhân cũng cho thấy các đốm nhỏ tương tự như bệnh lao.

Nhiễm trùng máu

Nếu không được điều trị nhanh chóng và đúng phác đồ, tình trạng nhiễm trùng phổi ở bệnh nhân sẽ tiến triển thành nhiễm trùng máu, còn gọi là sốc nhiễm trùng. Đây là biến chứng nghiêm trọng của bệnh Whitmore. Khi bệnh đã ở vào giai đoạn này, nguy cơ tử vong rất cao.

Sốc nhiễm trùng thường diễn tiến nhanh với các triệu chứng như:

Sốt cao, kèm theo rùng mình và đổ mồ hôi, đau đầu, đau họng, các vấn đề về hô hấp bao gồm khó thở, suy hô hấp…

Đau bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và cơ, mất phương hướng, hình thành vết loét có mủ trên da, bên trong gan, lá lách, cơ hoặc tuyến tiền liệt.

Những người đang mắc một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận, suy gan, thalassemia… có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu khi nhiễm vi khuẩn.

Nhiễm trùng toàn thân

Khi bệnh tiến đến giai đoạn cuối cùng, tình trạng nhiễm trùng toàn thân sẽ xảy ra, gây nên những triệu chứng:

Đau hoặc sưng ở tuyến mang tai, đau cơ, khớp, gan, phổi, lá lách, hạch bạch huyết, tuyến tiền liệt,… bị tổn thương, sốt cao, động kinh, co giật

Xuất hiện vết loét hoặc áp xe trên da và khắp các cơ quan trong cơ thể. Những nốt này khởi nguồn là nốt cứng, màu xám hoặc trắng, sau đó trở nên mềm và bị viêm, trông giống như vết thương do vi khuẩn ăn thịt người gây ra.

Nguyên nhân gây bệnh

Một trong những nguyên nhân xảy ra khá phổ biến ở nước ta là do mưa lũ triền miên, bùn đất bẩn tích tụ tạo môi trường thuận lợi cho các loài vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm, trong đó có vi khuẩn Whitmore, cư trú và sinh sôi.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã tìm ra các loại thuốc kháng sinh đặc trị bệnh Whitmore. Vì vậy, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, một phác đồ điều trị thường kéo dài tối thiểu 3 tháng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ liệu trình để chữa dứt bệnh hoàn toàn và tránh tái phát.

TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng