Người dân có thể tiếp cận vốn vay qua các tổ vay vốn
Ông Phan Chót, thôn Hiền Vân 1, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) tâm sự: Mặc dù thu nhập từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản khá ổn định; song cứ đến đầu vụ nuôi trồng hay lúc cần thay mới thuyền, ngư cụ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quay vòng vốn. Như đầu vụ này, gia đình cần 100 triệu đồng để đầu tư mua ghe và lừ phục vụ cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, nhưng xoay mãi chẳng đủ. Sau một hồi loay hoay, ông Chót được TVV hội nông dân xã giới thiệu tiếp cận vốn vay của Agribank Phú Lộc đầu tư mua sắm lưới cụ.
"Ban đầu, tôi nghĩ vay vốn của ngân hàng khó khăn và nhiêu khê. Tuy nhiên, khi được tổ hướng dẫn thủ tục và cán bộ tín dụng hỗ trợ cho vay mới thấy thủ tục không hề phức tạp và thời gian giải ngân cũng rất nhanh. Chưa nói, lãi suất cho vay cũng không cao như vay vốn từ bên ngoài", ông Chót chia sẻ.
Chúng tôi được ông Chót cùng Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Vinh Hiền - Trần Đình Công Định đưa đi tham quan mô hình nuôi cá trên phá Tam Giang. Hiện trên địa bàn xã có hơn 70% người dân sinh sống nhờ vào hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, khả năng xoay vòng vốn của người dân gặp hạn chế nên rất cần các kênh vốn vay của ngân hàng. HND xã mạnh dạn phối hợp với Agribank huyện Phú Lộc thành lập TVV nhằm chuyển tải hiệu quả nguồn vốn vay đến với đông đảo hội viên.
Các tổ vay vốn sẽ thu lãi từ khách hàng và nộp cho ngân hàng
Sau một thời gian ngắn thành lập, hiện TVV của HND xã Vinh Hiền có 13 hội viên vay vốn với dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Nguồn vốn này góp phần quan trọng cùng với địa phương đẩy lùi tình trạng tín dụng đen tại địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp tục vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình.
Ngoài rà soát hộ vay, thu lãi cho ngân hàng, TVV có nhiệm vụ nắm bắt nhu cầu vay vốn, cung cấp thông tin cá nhân và các thủ tục cần thiết cũng như giám sát các hội viên trong quá trình vay vốn cũng như sử dụng vốn đảm bảo đúng mục đích. Việc cho vay qua TVV một phần lấy uy tín của cá nhân, HND để đảm bảo cho hội viên vay vốn. Quá trình thẩm tra hồ sơ vay sẽ được cán bộ tổ theo sát, dự phòng được tất cả mọi tình huống xảy ra để việc thu hồi nợ đảm bảo. Điều này cũng giúp giảm thiểu những rủi ro nợ xấu có thể xảy ra trong quá trình cho vay.
Tính đến cuối tháng 7/2022, tổng dư nợ qua các TVV trên địa bàn huyện Phú Lộc đạt 37 tỷ đồng với 50 TVV đang quan hệ vay vốn. Dư nợ bình quân mỗi TVV khoảng 740 triệu đồng với tổng số 587 khách hàng vay vốn, dư nợ bình quân mỗi khách hàng ở mức 63 triệu đồng.
Thông qua việc ủy quyền cho tổ trưởng thu lãi đã tạo cho khách hàng thói quen đóng lãi thường xuyên, giảm bớt áp lực trong việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn, tác động thu hồi lãi vay của cán bộ tín dụng. Mặt được lớn nhất của mô hình này là tạo sự gắn kết giữa ngân hàng - khách hàng - chính quyền địa phương.
Ông Trần Ngọc Bình, Phó Giám đốc Agribank huyện Phú Lộc thông tin: Việc cho vay qua TVV giúp khách hàng giảm được thời gian đi lại, rút ngắn thời gian vay vốn. Khách hàng yên tâm khi giao dịch bởi thủ tục, hồ sơ đã được hướng dẫn sơ bộ qua TVV, tạo thuận lợi hơn cho các hộ gia đình và cá nhân khi tiếp cận vay vốn. Việc thanh toán lãi của khách hàng cũng khá thuận lợi, chỉ thanh toán qua tổ trưởng chứ khách hàng ko phải đến ngân hàng giao dịch. Để thuận tiện hơn cho khách hàng, ngoài chi nhánh và các phòng giao dịch, Agribank Phú Lộc hàng tháng đều triển khai xe lưu động về tại 2 UBND xã Vinh Hiền và Lộc Bình phục vụ giao dịch cho bà con.
“Thông qua hoạt động cho vay qua TVV, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo chỉ đạo của Chính phủ, mở rộng đầu tư của Agribank trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chi nhánh đang tập trung phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh cho vay qua TVV. Đồng thời, tập trung các nguồn lực và triển khai các giải pháp ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan tâm bố trí vốn cho cá nhân trên địa bàn được tiếp cận vốn lãi suất thấp để xây dựng, sửa chữa nhà ở...”, ông Bình nói.
Bài, ảnh: Hoàng Loan