Mẹ tôi quanh năm bươn chải với đồng ruộng, nên vẻ ngoài của bà già nua quá đỗi so với độ tuổi sáu mươi. Mắt mẹ đã mờ, mỗi ngày đều phải vài lần nhỏ thuốc mới có thể nhìn thấy rõ. Mẹ bị nhiều chứng bệnh liên quan xương khớp, thêm bệnh dạ dày nữa, nên thân thể lúc nào cũng có chỗ bất ổn. Song chẳng kể sức khỏe yếu, lên xe là say xanh xẩm mặt mày, bà vẫn quyết tâm vượt đường sá xa xôi vào chăm tôi sinh nở. Đôi mắt tuy mờ đục, nhưng lúc nào cũng tỏa ra ánh nhìn ấm áp, ăm ắp niềm thương. Đôi bàn tay cả đêm đau nhức không ngủ được, vẫn thu vén gọn ghẽ bao công chuyện nhà…

Cuộc đời mẹ, dễ cũng có đôi ba lần đi xa khỏi lũy tre làng. Song chẳng phải là được ngao du sơn thủy hay nghỉ dưỡng ở đâu, mà là đi phụ đỡ con gái đẻ, chăm sóc cháu ngoại. Thế nên với mẹ, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm. Bà chẳng khác gì đứa trẻ vì những trầm trồ, bối rối, ngơ ngác trước hàng tá điều mới mẻ nơi phố thị. Người mẹ nông thôn của tôi, ngày tháng ăn dè với dưa cà, cá kho mặn để nhiều ngày, đậu phụ chưng tương hạt, canh rau hái trong vườn… Cả đời mẹ, mùi hương “nước hoa” duy nhất mà bà nhận ra, là mùi… nước xả quần áo. Có lẽ, dẫu chỉ là mơ mẹ cũng không dám mơ được khoác lên người một bộ váy áo điệu đàng nào đó.

Gần 20 năm xa quê lo chuyện học hành, lập nghiệp, rồi theo chồng cách nhà cả ngàn cây số, đây là quãng thời gian tôi được ở cạnh mẹ lâu nhất. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, được nghe mẹ miên man kể chuyện xưa. Cái ngày mẹ vừa sinh tôi chưa đầy một tháng đã phải đi gánh đất lấp ao, cơm độn khoai ăn cùng rau muống luộc. Có dạo đạp xe mấy mươi cây số đi mua sắn, gặp trời mưa người xe ngã sõng soài. Cái đận làm “dân buôn”, cả ngày lội bộ từ xã này sang thôn nọ mua rau không một thứ gì bỏ bụng. Hai giờ sáng gánh rau cả chục cây số ra chợ bán, trời tối quá trượt chân, người và hàng lăn lông lốc ở triền đê. Mẹ kể, biết bao nỗi nhọc nhằn một thời, và của một đời.

Nghĩ về mẹ, tôi nhớ những ngày bão về. Gian bếp xây lợp đơn giản bị mưa tạt tứ phía, mẹ đỏ mắt thổi lửa cho bữa cơm chỉ có khô cá mặn và nồi canh nước mẻ lá lốt. Những ngày mưa dầm, nhà chúng tôi thường phải ăn ngô bung, hoặc cháo bột ngô thay cơm. Trông bầy con phụng phịu với món ngô bung trộn muối vừng, nghe mưa gió quật xác xơ cây lá, bà lặng lẽ cất giấu bao nỗi lo toan cho riêng mình. Lau sạch tấm áo mưa được tận dụng từ mảnh ni-lông lót bên trong những bao phân bón hóa học đã được ngâm giũ sạch sẽ, mẹ trao cho chúng tôi với ánh mắt đầy hy vọng, mong chị em tôi nhờ con chữ mà thoát cảnh khó nghèo.

Thế giới của mẹ tôi khác biệt và cũng thật đặc biệt. Mùi mồ hôi có vị của nắng, của gió, của đồng đất quê hương trên người mẹ, đã ấp ôm và cho chúng tôi cảm nhận, thấu hiểu những vất vả của người nông dân. Đôi bàn tay gân guốc cứ hễ buông tay cày là cầm tay cuốc, lo cho các con có gạo trắng ăn thay ngô bung, khoai sắn. Gian khổ của mẹ đã dạy chúng tôi bài học về sự nỗ lực và kiên định trước những trở ngại, khó khăn.

Năm tháng xa nhà một mình mưu sinh nơi đất lạ, nhiều lần gặp bất trắc, đối diện với cô đơn, rệu rã, vô thức tôi gọi “mẹ ơi”. Tìm về với mẹ, về dưới mái nhà rêu phong, nằm bên mẹ một vài đêm là cách tôi thu nạp lại năng lượng. Bao năm, mẹ vẫn dịu dàng ngồi đó, trước hiên nhà, sẵn sàng chấp nhận và gom giữ tất cả những thiệt thòi, khó nhọc để chúng tôi vững vàng sống, đi và yêu theo cách của riêng mình. 

Với tôi, mẹ chính là một người thầy vĩ đại. Một đời, bà luôn thầm lặng chắt chiu và hy sinh, như cây bách, cây tùng luôn đổ bóng về phía các con. Dẫu tôi có khôn lớn, trưởng thành bao nhiêu, đi xa thế nào, thì mẹ mãi vẫn sẽ là “cây rợp bóng che” bao dung, vững chãi. Còn có mẹ là còn khoảng trời bình yên để trở về và nương náu.

Mai Đình