Từ 1 con bò giống được hỗ trợ, vợ chồng anh Hỏi chăm sóc tốt, nhân lên đàn bò 4 con

Đó là bày tỏ “gan ruột” của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, tại buổi làm việc giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) - Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh - Hội Nông dân tỉnh để kiểm tra, nắm tình hình thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh: Thực hiện chương trình phối hợp của Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP về “Vận động nông dân khu vực biên giới, hải đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc giai đoạn 2019 - 2025”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp.

Căn cứ mục tiêu, nội dung chương trình phối hợp của Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP, sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và điều kiện thực tế của địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã cụ thể hóa vào chương trình phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện; phổ biến, quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ, hội viên từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận, từ đó thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất các nội dung, mục tiêu đề ra.

Đại tá Lê Văn Nguyên cho biết, hai cơ quan đã phối hợp rất tích cực, chặt chẽ theo từng chương trình, thường xuyên cùng nhau trao đổi. Cấp cơ sở là các đồn biên phòng - các xã khu vực biên giới - hội nông dân các huyện, đóng vai trò mấu chốt trong triển khai cụ thể. Cả hai tuyến biên giới đều còn nhiều khó khăn. Tuyến biên giới đất liền, chỉ 1 huyện biên giới (A Lưới), nhưng 12 xã biên giới đều là khu vực vùng sâu, vùng xa; hạ tầng cơ sở của dân còn thấp kém, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt, thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến khu vực biên giới khó khăn, càng khó khăn hơn.

Để thực hiện tốt chương trình phối hợp, vận động người dân nói chung, nông dân khu vực biên giới đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, 13 cán bộ sĩ quan được đào tạo cơ bản, đã qua thực tiễn công tác biên phòng, có kinh nghiệm công tác dân vận, đa số là người địa phương tăng cường cho 13 xã biên giới (giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã) tiếp tục nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò, trọng trách được giao. Đồng thời cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, đặc biệt là lực lượng “cắm bản” - cán bộ các tổ công tác địa bàn, phát huy vai trò “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”; đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình gần gũi, xây dựng được sự tin, mến; người dân nghe theo sự vận động. Trên cơ sở đó, các đơn vị BĐBP cùng các cấp hội nông dân phối hợp các ngành chức năng, tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trị giá hàng trăm triệu đồng, được người dân nghiêm túc hưởng ứng. Điển hình là dự án “xây dựng mô hình giảm nghèo sinh trưởng và phát triển nuôi bò sinh sản”, kinh phí gần 400 triệu đồng, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ.

Theo chân Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên và những cán bộ nông nghiệp, chính quyền địa phương đến nhà anh Hồ Văn Hỏi ở thôn A Chi - Hương Sơn. Đây là thôn nằm sâu trong xã biên giới A Roàng (A Lưới), còn rất nhiều khó khăn; nhận thức người dân còn hạn chế. Từ con bò cái giống được hỗ trợ vào năm 2019, đến nay hộ anh Hỏi đã có tổng cộng 4 con bò. Vợ chồng anh Hỏi phấn khởi “khoe” được tặng bò, lại được chính quyền địa phương, BĐBP hỗ trợ kinh phí, giúp công làm chuồng, trồng cỏ. Có chuồng tránh sương, tránh rét, có nguồn cỏ chủ động, lại được thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc tốt, nên chỉ trong 3 năm, bò mẹ 3 lần sinh sản, đã “nhân” thêm cho gia đình 1 con bò đực, 1 con bò cái và 1 con bê cái.

Có sự chuyển biến về nhận thức, 26 hộ nghèo, cận nghèo của xã A Roàng đã nỗ lực thực hiện tốt mô hình nuôi bò sinh sản được hỗ trợ nêu trên, từ 26 bò cái giống ban đầu, sau 3 năm, đến nay đã “nhân” tổng đàn bò lên 57 con.

Nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả khác, như trồng keo, tràm cũng được người dân hưởng ứng, phát triển, nhân rộng trên địa bàn.

Điều đáng mừng nhất, nghe theo vận động, người dân khu vực biên giới tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung sức giữ gìn bình yên biên cương. Thông qua phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, nông dân đã hiến gần 500.000m2 đất, đóng góp gần 53 tỷ đồng, gần 650.000 ngày công để làm mới và sửa chữa gần 600km đường giao thông nông thôn, gần 54.000km kênh mương nội đồng và hàng trăm nhà văn hóa thôn, ấp, bản...

Thực thiện chương trình, BĐBP vận động tặng cho các hộ nghèo trên hai tuyến biên giới hàng ngàn suất quà, hàng chục tấn gạo; xây dựng mới 24 ngôi nhà, sửa chữa 55 ngôi nhà, 2 phòng học, tặng 14 sổ tiết kiệm, 52 con dê giống, 13 con bò giống… tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Các cấp hội nông dân đã giúp cây, con giống, vật tư, tiền vốn cho gần 43.000 lượt hộ nông dân với số tiền gần 2 tỷ đồng; đóng góp xây dựng 33 nhà cho các hộ nghèo; giúp nông dân xóa 131 nhà tạm với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng…

Bài, ảnh: Quỳnh Anh