Thông tin này hẳn là sẽ làm thay đổi thói quen của nhiều bà nội trợ. Nhất là khi lâu nay, trong cách nghĩ của nhiều người, đây là loại rau sạch, dễ trồng nên ít bị phun thuốc. Khi gõ những dòng này, bản thân tôi cũng láng máng nhớ, tô canh trong bữa trưa hôm qua nước cũng không xanh như thường khi - dấu hiệu của việc rau còn nhiều dư lượng thuốc trừ sâu, bón phân hóa học quá nhiều hay nguồn đất, nước tưới rau không đảm bảo vệ sinh, nước kênh mương bị ô nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, mangan... Hy vọng là điều láng máng này là do ảnh hưởng của thông tin đọc được thôi.

Nhiều người thường bảo, không phải cứ đau gì là tìm ngay “bác sĩ Google”. Nhưng việc e dè từ các thông tin đọc được là điều hiện hữu. Không chỉ xà lách, mướp đắng, rau cải mà ngay cả rau má người tiêu dùng cũng đã nhận được tín hiệu cảnh báo. Nhưng nói cho cùng thì chả phải cái gì cũng sợ, nên việc lựa chọn thức ăn như thế nào cho đúng cũng tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bà nội trợ thông thái, nhất là khi gia đình không có điều kiện để tự trồng rau sạch. Nghĩ vậy nhưng cũng tự tin, khi Huế có đủ nguồn đất và khả năng về việc cung cấp rau sạch, về sự không thái quá đến nhẫn tâm của người trồng rau khi chỉ nghĩ đến lợi nhuận… Việc chưa phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn qua kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong rau của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh trong khoảng thời gian 2012-2014 có thể được xem là thông tin tốt trong khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cả nước luôn ở mức cao (5,34% - thông tin từ hội nghị trực tuyến về An toàn thực phẩm toàn quốc đầu tháng 2/2015). Thông tin chưa tốt là kết quả này trên địa bàn mới chỉ được đánh giá ở tính đại diện, số lượng ít, kinh phí giám sát còn hạn chế…
Thế nên, rau ngót nói riêng (và các loại rau củ quả khác nói chung) có ngọt hay không dường như chỉ còn phụ thuộc vào định tính của người tiêu dùng.
Bình Nguyên