San sẻ nghĩa tình

Mỗi chiều muộn, chị Huỳnh Thị Tánh lại lúi cúi băng qua khoảng vườn, đến căn nhà nhỏ của cụ bà Hoàng Thị Lan (89 tuổi, ở tổ 7, sống cô đơn), dắt cụ về nhà mình cùng ăn cơm. Những lúc mưa bão, chị cũng là người đầu tiên cầm đèn pin mang đến cho bà lão một bờ vai để tựa. Ngày lại ngày, chị đỡ đần một người dưng bằng tấm lòng yêu thương quý giá. Người phụ nữ nông dân chân lấm tay bùn chia sẻ giản dị, rằng việc chị làm chẳng có gì to tát. Chị em trong tổ, trong phường chung tấm lòng để đỡ đần không riêng đối với cụ Lan, mà còn mở lòng với nhiều hoàn cảnh kém may mắn khác.
Mời khách vào ngôi nhà đã được sửa sang, chị Phạm Thị Nhạn (tổ 2) mặt rạng ngời xúc động. Chị kể, từ ngày chồng mất, cuộc sống của chị cùng ba đứa con trở nên hao khuyết, khó khăn rất nhiều. Nhà xập xệ, xiêu vẹo mùa nắng còn đỡ, mùa mưa khổ lắm. Nhưng mưu sinh nhọc nhằn cũng chỉ đủ những bữa cơm đạm bạc qua ngày, gia đình chị không dám mơ đến việc sửa chữa nhà. Vậy mà, điều đó lại trở thành hiện thực, khi chị được HLHPN tỉnh hỗ trợ mái ấm tình thương. Cùng với khoản 20 triệu đồng được hỗ trợ, chị Nhạn còn được chị em trong tổ, phường góp thêm một số tiền và ngày công, chung tay sửa chữa, để gia đình chị có được mái ấm vững chắc. Với trường hợp chị Hoàng Thị Tuyết (tổ 3) khi mang khoản tiền tiết kiệm, đóng góp giúp chị Tuyết sửa nhà, chị em không quên mua tặng thêm một chiếc giường, để người phụ nữ nghèo đơn thân, bệnh tật có giấc ngủ yên bình hơn. Còn chị Hồ Thị Thu Thúy bị bệnh tâm thần nhẹ, chị Phạm Thị Sương, Bạch Thị Con… hoàn cảnh khó khăn, là “địa chỉ” đầu tiên chị em nhớ, chia sẻ những hạt gạo yêu thương.
Cùng nhau góp sức
Chị Phạm Thị Thanh Sơn, Chủ tịch HLHPN phường Thủy Lương cho biết, để giúp đỡ, chia sẻ với những phụ nữ đơn thân, bệnh tật… chị em ngày càng tích cực trong việc tiết kiệm từ mô hình nuôi heo đất. Để tạo một số vốn ban đầu cho chị em khó khăn có điều kiện buôn bán nhỏ, chăn nuôi, các hội viên phụ nữ lại bền bỉ với phương thức mỗi ngày tiết kiệm 1 nghìn đồng. Vào dịp sinh hoạt hội hàng tháng, chị em mang số tiền này đến góp lại. Tiền đóng góp dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng (tùy theo số lượng hội viên của từng tổ) sẽ được trao cho trường hợp nào khó khăn, có tinh thần vươn lên vượt khó vay, với “giao kèo” một năm sau người vay hoàn trả cả vốn lẫn lãi (lãi thấp hơn mức lãi của ngân hàng chính sách).
Chị Phạm Thị Thanh Sơn tự hào khi chia sẻ, chị em hội viên phụ nữ phường Thủy Lương rất đoàn kết. Không chỉ sẵn sàng nhường cho trường hợp khó khăn nhất, cần vốn nhất, vay liền nhiều lần (chứ không nhất thiết phải quay vòng theo thứ tự), tấm lòng của chị em còn bao bọc cả những hội viên thuộc tổ khác. Mái nhà dành cho cụ Hoàng Thị Lan (tổ 7) chính là sự chung tay của hội viên phụ nữ tổ 6. Hay chị Nguyễn Thị Thu Nga là một hội viên sẵn sàng giúp đỡ các trường hợp đau ốm ngặt nghèo, bất kể người đó ở đầu hay cuối phường. Tinh thần đó đã “thu hút” nhiều người khác ở địa phương đoàn kết cùng góp sức, lan tỏa yêu thương.
Quỳnh Anh