Hiện trường vụ cháy di tích Quốc Tử Giám
Di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn nằm trên đường 23 Tháng 8 (phường Đông Ba, TP. Huế) là trụ sở và là nơi trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tỉnh. Nơi xảy vụ cháy cách Hoàng thành Huế không xa. Vì thế, vụ cháy khiến nhiều người lo ngại và đặt dấu hỏi trong công tác PCCC nếu không may có sự cố xảy ra.
Về vụ cháy di tích Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã có báo cáo nhanh gửi các cơ quan chức năng. Khu vực xảy ra cháy là dãy nhà đang trưng bày các hiện vật cuộc kháng chiến chống Pháp tại Thừa Thiên Huế (1930-1954). Dù các hiện vật kịp thời đưa ra ngoài, nhưng vụ cháy vẫn làm sập 1/4 mái nhà trưng bày và theo lý giải, mái nhà làm bằng ngói liệt, kết cấu gỗ nên dễ bắt lửa.
Nói về vụ cháy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng rất may khi chưa ảnh hưởng nhiều đến di tích, nhưng đây như là một hồi chuông cảnh báo không riêng gì di tích Quốc Tử Giám mà với rất nhiều di tích khác. Đặc biệt là các di tích có công trình kiến trúc vô cùng quý giá, được xếp hạng. “Cần xem lại và có quy trình PCCC đặc biệt cho các di tích, công trình kiến trúc bên trong Kinh thành nói riêng và các di tích, công trình kiến trúc có giá trị khác trên toàn tỉnh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.
Huế có hệ thống di tích đặc biệt quan trọng, trong đó phải kể đến Quần thể di tích Cố đô Huế được Unesco công nhận và hiện được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.
Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói rằng, hầu hết các di tích có công trình kiến trúc cấu kiện bằng gỗ nên luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm rất nhiều di tích, nằm ở nhiều nơi, cách xa nhau. Có di tích nằm sát hoặc trọn trong khu dân cư, có di tích nằm tiếp giáp với rừng thông, có di tích nằm cách biệt, hiểm trở, xa trung tâm… Ngoài ra, ở các điểm di tích thường có thờ cúng, thắp hương, hoặc những khu vực tiếp giáp các khu dân cư thì thường có tình trạng người dân đốt vàng mã, đốt tổ ong… Trước những mối nguy đó, theo ông Nam, công tác PCCC luôn được coi trọng, đặt lên hàng đầu.
Hàng năm trung tâm kiện toàn ban chỉ huy, xây dựng phương án, kế hoạch, đề xuất mua sắm trang thiết bị, tập huấn, đưa ra các tình huống giả định, phân công trách nhiệm từng người trong PCCC. Thường xuyên phối hợp với cảnh sát PCCC kiểm tra hệ thống dự trữ nước, máy bơm chữa cháy đặc chủng...
“Lực lượng PCCC ban đầu ngay tại đơn vị rất quan trọng. Xác định được điều đó nên anh em trong trung tâm luôn cảnh giác, kiểm tra, phân công cụ thể”, ông Nam nói. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền cho người dân, người làm dịch vụ, người thi công, khách tham quan… ở khu vực di tích.
Ông Nam cho hay, hàng năm vẫn có một số vụ chảy nhỏ, được dập ngay lập tức, không để lan rộng, dẫn đến cháy lớn. Và hơn 10 năm qua, tại các điện thờ, bàn thờ bên trong di tích cũng được bố trí một lớp kính ở phía dưới bát nhang để vừa dễ vệ sinh, vừa phòng cháy cũng như bố trí cán bộ theo dõi 24/24. Với các khu vực tiếp giáp di tích, hàng năm làm đường ranh cản lửa để khi có cháy bên ngoài không thể lan vào di tích. Tổng diện tích đường ranh lên đến 40.000m2, chủ yếu nằm quanh các lăng.
Đầu tháng 8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp ở bảo tàng và di tích năm 2022.
Theo đó, đề nghị các sở chỉ đạo các bảo tàng, ban/trung tâm quản lý di tích trên địa nghiêm túc rà soát các phương án phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp; kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị liên quan tới công tác bảo vệ, bảo quản nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng và di tích trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, phân công lãnh đạo trực tại bảo tàng và di tích để bảo đảm việc theo dõi, giám sát và ứng phó kịp thời với các nguy cơ rủi ro. Song song với đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp cho đội ngũ viên chức các bảo tàng, ban/trung tâm quản lý di tích, người trực tiếp trông coi di tích và khách tham quan.
Bài, ảnh: NHẬT MINH