Học sinh trải nghiệm thực tế, tham quan di sản Huế. Ảnh: P. Thành

Rất nhiều ý kiến được đưa ra và chỉ rõ nguyên nhân về việc học sinh không hứng thú với môn học “dân ta phải biết sử ta”. Trong đó, ngoài chương trình sách giáo khoa ôm đồm, nặng về sự kiện, con số, phương pháp dạy chưa phù hợp… việc dạy được cho không cọ xát với thực tế. Phần nhiều học sinh học “tại chỗ”, ít được trải nghiệm thực tế, khám phá những câu chuyện có thật đi vào sách vở dẫn đến bài học trở nên cứng nhắc.

Tất nhiên, không phải vùng đất nào cũng có những địa danh, di sản… đi vào trang sách. Nói điều này để thấy rằng, so học sinh ở các vùng miền khác trên cả nước thì học sinh ở Thừa Thiên Huế may mắn hơn nhiều. Huế có một di sản đồ sộ là Quần thể di tích Cố đô Huế và nhiều di tích danh lam thắng cảnh “không nơi nào có được”. Ngoài phục vụ du lịch, đó còn là “kho sách” đồ sộ trong câu chuyện giáo dục lịch sử, truyền tải kiến thức và những trải nghiệm thực tế trong việc dạy học hiện nay.

Học sinh được nghe hướng dẫn viên kể về sự kiện vua Bảo Đại thoái vị. Ảnh: MC

Lâu nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã kết nối với nhiều đơn vị, tổ chức lên nhiều chương trình học, trải nghiệm thực tế từ hệ thống di sản, bảo tàng, các danh thắng. Có trường có liên kết với Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức lễ trao thưởng cuối năm ngay tại Quốc Tử Giám - biểu tượng cho sự học của vùng đất học từng là Kinh đô.

Gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế đã ký kết với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về việc đưa giáo dục di sản, văn hóa và nghệ thuật truyền thống vào trường học. Với ký kết này, học sinh sẽ được tham quan tìm hiểu về lịch sử các vị vua chúa nhà Nguyễn, các khu lăng tẩm và các điểm di tích thuộc di sản Huế. Học sinh cũng có những buổi học tìm hiểu các tiết mục nhã nhạc, múa hát cung đình, một số nhạc cụ trong hệ thống nhạc cung đình xưa và thưởng thức các tiết mục do các diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình biểu diễn.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về di tích Quốc Tử Giám - trường Đại học lớn nhất của triều đại phong kiến nhà Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế. Ảnh: N. Anh

Ngoài ra, còn có những tiết học ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cung An Định, trải nghiệm các chương trình nghệ thuật, trò chơi cung đình… Không dừng lại đó, còn có các tiết học về giáo dục lịch sử, di sản, nghệ thuật, văn hóa truyền thống theo thời khóa biểu thống nhất cho từng trường. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, chương trình giáo dục này sẽ kéo dài trong 5 năm. Bằng cách học, trải nghiệm kiểu này sẽ giúp học sinh hiểu, nắm vững lịch sử văn hóa Huế. Ngoài ra, để các em có cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, vun đắp tình yêu đối với di sản, truyền thống văn hóa, trân trọng đối với những giá trị quý báu của dân tộc.

Rất nhiều người khi nghe được thông tin này đã vui mừng và hy vọng với những trải nghiệm thực tế “mắt thấy tai nghe” sẽ thuyết phục các em hơn và xa hơn giúp học sinh phát triển tư duy. Chia sẻ về câu chuyện này, ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế cũng rất tâm đắc. Ông viết ngắn gọn đôi dòng trên facebook cá nhân rằng, học lịch sử không phải là học thuộc những ngày tháng năm. Điều quan trọng là chúng ta sẽ học được gì từ quá khứ, để mang lại một tương lai tốt đẹp hơn trong sự phù hợp với quy luật của trời đất và con người, không phạm lại những lỗi lầm, hạn chế đã qua. Sự đứt đoạn và bất cập trong nghiên cứu - giáo dục lịch sử sẽ làm mất đi ý nghĩa đó.

Ông Định cho rằng: “Cái bắt tay giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế hy vọng sẽ tạo ra nhiều điều mới mẻ trong nghiên cứu, giáo dục và vận dụng lịch sử vào cuộc sống”.

Và rất nhiều phụ huynh khác cũng có chung suy nghĩ đó. Hy vọng với cách giáo dục trực quan, thú vị như cái bắt tay của ngành giáo dục và đơn vị quản lý di sản, văn hóa sẽ mở ra một giáo án sinh động, thực tế để môn lịch sử không còn nhàm chán trong dạy và học.

NHẬT MINH