Ngành giáo dục thiếu hàng ngàn giáo viên trong đó có giáo viên mỹ thuật (ảnh minh họa). Ảnh: MC

Đây là những thông tin không lấy gì làm vui vẻ cho cả hai ngành quan trọng, liên quan trực tiếp đến con người - một bên là cung cấp tri thức và một bên là sức khỏe. Cả hai thứ, suy đến cùng có lẽ là quý nhất.

Cũng theo thông tin báo chí, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng xem ra nguyên nhân chủ yếu là áp lực công việc ngày càng tăng nhưng lương bổng, thu nhập không đủ sống, hoặc sống ở mức tằn tiện.

Đã biết được nguyên nhân thì phải tìm cho ra được giải pháp. Cứ giả sử sau một thời gian nào đó, tình trạng trên sẽ được khắc phục bằng cách bổ sung nguồn nhân lực. Nhưng rồi, ai dám chắc rằng đến lúc khác tình trạng thiếu, bỏ việc sẽ không xảy ra, vì nguyên nhân thu nhập thấp vẫn còn đó. Có lẽ đây chính là nút thắt của vấn đề.

Ai cũng biết thực trạng của hệ thống lương của Việt Nam chúng ta (những người hưởng lương từ ngân sách) còn nhiều bất hợp lý. Một người học đại học sau khi ra trường, nếu được nhận vào một vị trí nào đó của hệ thống trả lương từ ngân sách, một tháng chỉ được vài triệu đồng, tức là một ngày chỉ được một trăm mấy chục ngàn đồng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta cứ hình dung thế này để thấy rõ vấn đề: một người làm thợ hồ, thợ mộc bây giờ một ngày cũng được 400 ngàn đồng. Mặt bằng lương giữa thị trường và từ ngân sách hết sức bất cập. Thế nhưng tại sao có nhiều người vẫn lựa chọn đến với nơi đồng lương thấp? Tức là đến khu vực Nhà nước. Khó có thể lý giải thấu đáo điều này, nhưng có một điều mà nhiều người lựa chọn đó là, cái mà nhiều người thường gọi là “ổn định” (mặc dù ổn định thấp). Có thể còn những lý do nữa, đó là họ hy vọng vào tương lai, chẳng hạn như rồi sẽ đến lúc hệ thống lương sẽ được cải cách theo hướng nâng cao lên, hoặc là sẽ có lương hưu… Hoặc là, dù lương thấp nhưng được làm việc “trong mát”. Chuyện “thâm lạm” giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước là điều mà nhiều người cũng cảm nhận được. Làm giữa giờ là tranh thủ đi chợ, tranh thủ đi đón con. Cũng có thể, nhiều công chức, viên chức Nhà nước có đời sống khá cũng là một sức hút tạo ra “sức quyến rũ”…

Nhưng, cái sướng vốn dĩ không chia đều cho mọi người. Những người nghỉ việc, thay đổi việc, không chọn việc có thể rơi vào tình trạng “chiếu dưới”. Lương đã thấp rồi, nhưng không có một “cơ hội” để cải thiện thu nhập nào khác. Đây là lúc hiện tượng bỏ việc, nhảy việc, không chọn việc xảy ra như chúng ta đã thấy.

Đương nhiên, giải pháp là phải cải cách tiền lương. Nhưng điều này là không dễ trong ngày một, ngày hai vì nó liên quan đến bộ máy Nhà nước, đến hiệu quả công việc… và thậm chí là các mối quan hệ “chằng chịt”.

Thế thì giải quyết vấn đề thế nào? Theo người viết, chúng ta nên bình tĩnh và hãy tin vào sự điều tiết của thị trường lao động. Nếu ngành giáo dục, ngành y tế cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng thì chuyện thiếu hụt trong hiện tại không phải là điều đáng lo ngại. Vấn đề bây giờ là soát xét lại nguồn nhân lực. Nếu trong cân đối kế hoạch là đủ hoặc tương đối đủ thì không chóng thì chày, hiện tượng thiếu hụt tạm thời sẽ được khắc phục. Nếu như chưa khắc phục được về mặt số lượng thì hãy tìm giải pháp cân đối đối với lực lượng cơ hữu hiện có. Biết đâu đây là cơ hội tạo ra việc làm thêm cho những người hiện có?

Nguyên Lê