Thực tế với điều kiện kinh tế của người dân chúng ta hiện nay, có thể nói để ngăn chặn triệt để nạn tín dụng đen là rất khó. Ít nhất là mấy lẽ sau, có một bộ phận người dân của chúng ta điều kiện vốn hết sức khó khăn nhưng họ không biết tiếp cận nguồn vay ở đâu và thật ra họ có rất ít cơ hội để tiếp cận. Chẳng hạn, những người mua bán các loại phế thải mà chúng ta thường nghe một từ quen thuộc là “chai bao”. Tôi biết, có những người chỉ cần vài trăm ngàn hoặc một hai triệu đồng, nhưng với số vốn ít ỏi này họ cũng không có. Để có vốn, vào mỗi buổi sáng, họ đến các vựa thu mua phế liệu vay mượn để đi mua. Chiều về bán được các loại phế liệu thì họ phải trả tiền vốn đã vay mượn. Số tiền lãi có được mới thuộc về họ. Tất nhiên, họ không chỉ trả phần gốc mà phải trả thêm tiền lãi. Đương nhiên cao hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều lần. Ngay như các hiệu cầm đồ, chúng ta thấy họ rao công khai: một triệu đồng trả lãi một ngàn đồng, hoặc chín trăm đồng. Thấy rất dễ chịu. Khi cần có ngay một triệu. Một vài ngàn không là gì, nhưng tính ra lãi suất cũng 20-30% một năm. Đó là có thế chấp, còn không có gì thế chấp như người mua bán chai bao nói trên, có thể còn cao hơn rất nhiều.

Chuyện những người bán chai bao chỉ là một ví dụ. Theo tìm hiểu của người viết, hầu như ở chợ nào cũng có chuyện cho vay trả góp. Và đương nhiên lãi suất không hề dễ chịu. Nêu vấn đề để thấy - nhu cầu vay là chuyện có thật. Đã có cầu thì ắt có cung cho nên trong thực tế, từ lâu đã xuất hiện những người làm nghề cho vay trả góp. Nó tồn tại từ lâu và có ở nhiều nơi. Nơi cung gặp cầu. Thực ra đây cũng là tín dụng đen vì lãi suất cao, nhưng hai bên đều hài lòng. Chính vì hài lòng mà nó tồn tại. Nếu các cơ quan chức năng muốn ngăn chặn cũng rất khó, là vậy!

Đó là chuyện cần vốn buôn bán, làm ăn chân chính. Còn thực tế có muôn ngàn lý do để đến với tín dụng đen. Ví dụ như những người đánh bài bạc, cá độ bóng đá; cần tiền để ăn chơi… Thậm chí là những người làm ăn chân chính cũng tìm đến tín dụng đen vì nó dễ tiếp cận vốn, tiếp cận nhanh. Chẳng hạn họ kinh doanh một lô hàng nào đó, họ cần vốn ngay với kỳ vọng sẽ bán được nhanh, trả nợ được và kiếm lãi ngay. Nhưng thực tế không diễn ra như họ tính toán. Hàng bán chậm hoặc thậm chí là không bán được. Thế là không trả nợ được, lãi mẹ đẻ lãi con. Mà đã lãi suất cao khi rơi vô tình trạng này là vào tình huống “lãi suất phi mã”.

Không biết các nhà quản lý xã hội, các ngành chức năng tìm giải pháp ngăn chặn nạn tín dụng đen như thế nào chứ xét dưới góc độ cung – cầu như nêu trên, người viết cho rằng: nếu chúng ta ngăn chặn được nạn tín dụng đen (hay còn gọi là tín dụng ngoài ngân hàng) thì ít nhất phải cần một thời gian dài nữa. Những lý thuyết đưa ra như tăng nguồn cung tín dụng chính thống, hay các cơ quan, ban, ngành vận động hỗ trợ lẫn nhau chỉ giải quyết một phần nào đó, có thể nói là “giải quyết phần ngọn”. Nguyên nhân để xuất hiện tín dụng đen còn đó thì kết quả tín dụng đen vẫn phải xảy ra.

NGUYÊN LÊ