Khán đài đông nghịt cổ động viên trong trận Hà Nội FC - Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: 24h.com.vn

15h ngày 13/8/2022, CLB Hà Nội mở bán vé xem trận đấu với Hoàng Anh Gia Lai (vòng 12) trực tiếp cho người hâm mộ trên sân Hàng Đẫy vào ngày 14/8. 500 vé chính thức được bán ra và nhanh chóng hết sạch chỉ sau 10 phút. Cháy vé online, vé “chợ đen” tăng gấp 5 lần giá gốc. Diễn biến trận cầu trên sân cũng cho thấy xứng đáng “đồng tiền bát gạo” bỏ ra. Hai đội chơi đôi công mãn nhãn. Hy vọng về một trận cầu tái đấu “long tranh, hổ đấu” ở vòng đấu khép lại mùa giải.

Chuyện đáng nói hơn diễn ra bên ngoài sân cỏ là khi lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh có buổi gặp gỡ và làm việc với 2 đại diện bóng đá địa phương là CLB TP. Hồ Chí Minh  và Sài Gòn FC. Bóng đá Sài Thành một thời oanh liệt. Sau năm 1975, nếu bóng đá Hà Nội và phía bắc có Thể Công và Công an Hà Nội thì TP. Hồ Chí Minh có Cảng Sài Gòn và Hải Quan. So sánh danh hiệu, Cảng Sài Gòn có phần lép vế hơn nhưng trong các trận thư hùng với Thể Công, họ là Hoàng Anh Gia Lai của hiện tại.

Việc cả 2 đại diện là CLB TP. Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC cùng chen chân nhau ở vị trí chót bảng xếp hạng khiến bao người Sài Gòn chạnh lòng. Nhìn vào dàn cầu thủ của cả hai đội có thể thấy họ không hề kém cạnh. Thế nhưng, như cách nói hình ảnh của ông Nên, là món ăn tinh thần của người dân thành phố, nhưng gần đây bóng đá TP. Hồ Chí Minh đang “dần bớt ngon”. Ông cho rằng, trước đây người hâm mộ trông chờ đến cuối tuần để xem bóng đá, thậm chí đến trước cả tiếng chờ cầu thủ ra sân, vỗ tay ủng hộ. Nó khác xa với giờ đây...

Điều mà ông Nên lo lắng là bản sắc địa phương đang rất mờ nhạt ở 2 đội bóng đại diện cho thành phố mang tên Bác. Buổi gặp gỡ làm việc của ông Nên với đại diện 2 đội bóng địa phương do thế không đơn giản là bàn cách để trụ hạng thành công trong mùa giải này mà hơn thế, là thông điệp cho thấy không chấp nhận với cách làm nửa vời như hiện nay, vui thì chơi và buồn thì nghỉ của một số ông bầu, mà phải là sự đổi mới tư duy, xây dựng và phát triển bóng đá theo hướng bền vững, góp phần tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Sài Gòn.

Từ chuyện ở phương nam, ngoái lại nhìn về bóng đá Huế cũng cảm thấy nhiều bất an. Cầu thủ Huế hiện tại không dồi dào như Nghệ An hay Thanh Hóa, nhưng cũng có thể gầy dựng được một đội bóng mạnh. Những ngày gần đây thông tin về thành công của đội bóng trẻ khiến người yêu bóng đá Huế nức lòng khi U15 tiến vào tới bán kết Giải bóng đá U15 Quốc gia 2022 cùng với các trung tâm, hàng đầu là PVF, Hoàng Anh Gia Lai và Sông Lam Nghệ An. Trong khi đó, đội U17 góp tới 4 cầu thủ vừa cùng U16 Việt Nam giành ngôi á quân Giải U16 Đông Nam Á mới đây.

Cái khó của bóng đá Huế là thiếu một ông bầu đúng nghĩa là điều mà Bình Định hay Hà Tĩnh đang có. Còn cái khác nữa là thiếu khát vọng đổi mới tìm cách vươn lên, như bóng đá TP. Hồ Chí Minh đang thể hiện, để rồi là sự an phận với vị thế khiêm tốn đang sở hữu.

ĐAN DUY