Các quốc gia đang gồng mình đấu tranh chiến thắng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN/Vietnam+
Được biết, đợt bùng dịch hiện tại đã bắt đầu ở châu Âu từ tháng 5, khi virus bắt đầu lây lan nhanh chóng ra những khu vực ngoài châu Phi, nơi căn bệnh này đã lưu hành từ lâu.
Loại virus này hiếm khi gây tử vong cho người nhiễm bệnh, song lại có thể gây ra những tổn thương vô cùng đau đớn. Rất nhiều người, trong đó có nam giới có quan hệ tình dục đồng giới đã nhanh chóng tìm cách tiêm phòng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã mua nhiều vaccine hơn, cũng như triển khai nhanh hơn việc tiêm chủng loại vaccine duy nhất được chấp thuận sử dụng cho bệnh đậu mùa khỉ. Đó là một loại vaccine phòng bệnh đậu mùa do Công ty Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất và tiếp thị ở châu Âu với tên gọi Imvanex.
Đơn cử, Bỉ có 3.000 liều vaccine, chỉ dành để tiêm cho những người thuộc giới tính thứ 3 (LGBT), cùng như nhiều trường hợp hiếm gặp khác...
Cùng lúc, Pháp lại có nhiều vaccine hơn. Dù chưa rõ chính xác bao nhiêu, song khoảng hơn 53.000 liều đã được sử dụng tại nước này.
Trong suốt thời gian mùa hè ở châu Âu, nhiều người Bỉ đã đến Pháp để được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Dược sĩ Virginie Ceyssac cho biết, có 30% - 40% những người đã được tiêm vaccine tại hiệu thuốc Aprium ở thành phố Lille, miền Bắc nước Pháp là người Bỉ.
Riêng ngày 6/8, 444 người Bỉ đã đến Pháp tiêm chủng và “được chào đón nồng nhiệt”.
Cơ quan y tế vùng Hauts-de-France cho biết, các trung tâm tiêm chủng được yêu cầu “đáp ứng một cách thuận lợi những yêu cầu của người dân Bỉ, miễn là không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vaccine của người Pháp”.
Tại thủ đô của Pháp, nhiều người dân nước ngoài cũng đã đến và tiến hành tiêm chủng.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều nước chưa có lượng vaccine phù hợp, trong đó có Thụy Sĩ. Điều này khiến nhiều người có nhu cầu phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để sang nước khác tiêm chủng. Chính sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine đã thúc đẩy các tổ chức và chuyên gia chăm sóc sức khỏe trên khắp châu Âu kêu gọi các thỏa thuận ngoại giao mới để chia sẻ liều lượng vaccine cho các quốc gia cần nó.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Marc Dixneuf, người đứng đầu nhóm AIDES của Pháp nhận định rằng “dịch bệnh không chú ý đến biên giới. Do đó, những gì chúng tôi muốn là một phản ứng phối hợp ở cấp độ châu Âu, chứ không phải trong Liên minh châu Âu, bởi chúng tôi có cả Thụy Sĩ”.
Các nhà chức trách y tế Pháp cho biết, họ đang liên hệ với Bỉ và Thụy Sĩ để thảo luận về việc tiêm phòng vaccine đậu mùa khỉ xuyên biên giới, trong đó bao gồm cả vấn đề quan trọng là tài chính.
Hạnh Nhi (Lược dịch từ CNA)