Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức chăm sóc rừng keo tràm mới

Ở Hương Trà, CCB, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Hãn có tiếng không chỉ là CCB sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn giúp đỡ CCB khác cùng làm kinh tế. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Hãn bắt tay làm kinh tế trang trại tổng hợp. Dám nghĩ, dám làm, yêu rừng và gắn bó với rừng, sau hơn 25 năm sớm tối vất vả trên vùng đất sỏi đá, đến nay, “gia tài” của ông là trang trại rộng lớn với diện tích trên 5ha. Trong đó, có 3ha cao su, 1ha tre lấy măng và 1ha cây ăn quả các loại... cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Là tấm gương CCB vượt khó vươn lên, nhưng ông Hãn luôn khiêm tốn khi nói về mình: “Tôi phát triển kinh tế không chỉ để tạo ra thu nhập cho bản thân, mà còn mong muốn góp sức xây dựng quê hương”.

Sau ngày Huế giải phóng, ông Nguyễn Văn Chức xuất ngũ trở về với những thương tật trên cơ thể. Năm 1995 ông cùng gia đình chuyển lên xã Bình Thành định cư.

“Lên đây với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng cùng 5 người con dựa vào mấy sào cây lồ ô để sống. Từ mảnh đất nhỏ ban đầu, gia đình tôi khai khẩn thêm diện tích đất để trồng keo. Được chính quyền, ban ngành các cấp động viên, hỗ trợ nên dần vượt qua khó khăn”, ông Chức kể. Bằng nghị lực và ý chí của người lính, từ trồng rừng, vợ chồng ông bắt đầu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng đồi núi xã Bình Thành rất phù hợp để xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Trò chuyện với chúng tôi, người CCB Cơ Tu phấn khởi cho biết, sau nhiều năm gây dựng, từ trồng rừng và chăn nuôi gia súc, đến nay, gia đình ông đã có của ăn của để, xây được nhà khang trang. Không chỉ trông cậy vào điều kiện tự nhiên, từ khi bắt đầu chăn nuôi đến nay vợ chồng ông Chức còn thường xuyên nghiên cứu sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi và tuân thủ tốt các điều kiện vệ sinh thú y nên đàn vật nuôi của gia đình ông phát triển tốt, ít dịch bệnh.

Để có thu nhập ổn định, ông Chức còn đào hồ nuôi cá, trồng cây ăn quả để vừa tạo bóng mát, giúp chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Đến nay, thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Với điều kiện kinh tế ổn định giúp gia đình ông Chức, ông Hãn trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, CCB Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Ngọc Hãn còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và giúp đỡ bà con, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn về vốn, kỹ thuật, cây con giống để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Bên cạnh đó, CCB Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Ngọc Hãn còn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của hội như xây dựng nông thôn mới; vận động bà con thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, hai ông vẫn chưa nguôi ý chí làm giàu, bởi theo hai ông, còn sức còn phải lao động, còn phải cống hiến, trước hết là vì gia đình, sau là có điều kiện để giúp đỡ bà con trong thôn cùng vươn lên xây dựng quê hương.

Bài, ảnh: Khánh Thư