Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+
Vai trò của ASEAN
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 và các hội nghị liên quan đã quay trở lại với hình thức trực tiếp, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và đại diện của 38 quốc gia, đồng thời các đại biểu cũng đã thông qua và phê duyệt nhiều văn kiện hợp tác khu vực.
Trong bối cảnh thách thức địa chính trị và áp lực phục hồi kinh tế, hàng loạt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đã diễn ra nhằm đoàn kết nỗ lực và đồng thuận của tất cả các nước Đông Nam Á để cam kết đạt được hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.
Trong những năm gần đây, tình hình Đông Á ngày càng trở nên phức tạp dưới sự tác động của xung đột giữa các cường quốc và ảnh hưởng của đại dịch, song thực tiễn hợp tác khu vực vẫn chưa bị hạn chế. Nó không chỉ đạt được nhiều kết quả vững chắc trên một số lĩnh vực mà còn làm nổi bật những đặc điểm của châu Á trong quá trình hợp tác, những đặc điểm đóng vai trò then chốt trong nỗ lực duy trì ổn định khu vực và kích thích phát triển khu vực.
Trong quá trình này, ASEAN đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của khu vực. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cấu trúc hợp tác khu vực, cộng thêm đóng góp kinh nghiệm và trí tuệ của mình vào việc thể chế hóa hợp tác Đông Á và đóng vai trò điều phối trong các cơ chế hợp tác khác nhau.
Hợp tác được thể chế hóa ở Đông Á bắt đầu từ ASEAN và dần hình thành cấu trúc hợp tác khu vực đa lĩnh vực, đa cấp và đa chủ thể thông qua 2 cột mốc là Cơ chế hợp tác ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á, chuyển từ cơ chế hợp tác khu vực này sang khu vực khác, từ các nhân tố nội vùng đến nhân tố trong và ngoài khu vực.
Vị trí trung tâm của ASEAN không chỉ là một nguyên tắc quan trọng để duy trì sự toàn vẹn, độc lập và thống nhất của mình, mà đây cũng chính là nhân tố quyết định, ảnh hưởng đến sự tồn tại của cấu trúc và mô hình hợp tác khu vực hiện tại, liên quan đến sự ổn định và phát triển của Đông Á.
Quan hệ Trung Quốc – ASEAN và vai trò
Là nước ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, Trung Quốc và ASEAN đã và đang chia sẻ những lợi ích chung đáng kể trong hợp tác khu vực và từ lâu đã thiết lập được sự đồng thuận rộng rãi. Quan hệ ASEAN – Trung Quốc luôn duy trì hình thái hợp tác tích cực và là ví dụ tích cực và hiệu quả nhất về hợp tác khu vực ở Đông Á.
Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc vào năm 1991, Trung Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), là quốc gia đầu tiên bắt đầu đàm phán FTA với ASEAN và tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực khác nhau của ASEAN, mà nước này cũng tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của khối ASEAN trong hợp tác khu vực, sự thống nhất và sức mạnh của khối cũng như ủng hộ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Năm 2021, tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ASEAN đã cùng tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN – Trung Quốc, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại không đối đầu, cùng với đó là đưa ra các đề xuất để cùng nhau xây dựng quê hương hòa bình, an ninh, thịnh vượng, giàu đẹp và thân thiện.
Mục tiêu chung là tạo động lực cho sự phát triển tổng hợp của quan hệ ASEAN – Trung Quốc và dẫn dắt định hướng hợp tác Đông Á trong tương lai.
Trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về lĩnh vực hợp tác, chiều sâu và mức độ hiệu quả.
Ngoài các trụ cột hợp tác hiện có về an ninh chính trị, kinh tế thương mại, xã hội và nhân văn, Trung Quốc và ASEAN đã mở rộng hợp tác sang kinh tế xanh, phát triển xanh, đổi mới khoa học và công nghệ, kinh tế kỹ thuật số, an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và nhiều lĩnh vực khác.
Với sự thúc đẩy hợp tác trong đa dạng các lĩnh vực, Trung Quốc và ASEAN đã quan tâm nhiều hơn đến việc phối hợp các chiến lược phát triển, bao gồm cùng nhau xây dựng 5 đề xuất về “xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”, thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đạt được sự củng cố, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu trong ASEAN.
Nhìn chung, tiến trình hợp tác Đông Á luôn tiến lên nhờ mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc bền vững.
Về kết quả cụ thể, từ khi hiệp định RCEP có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng thương mại hằng năm giữa Trung Quốc và ASEAN nhanh hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của Trung Quốc, ASEAN chiếm 14,9% ngoại thương Trung Quốc, đứng đầu trong danh sách đối tác thương mại của nước này.
Đồng thời, Trung Quốc và ASEAN cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và thành tựu phong phú trong các lĩnh vực phi an ninh truyền thống như chống khủng bố, giải quyết biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chống tội phạm xuyên quốc gia, và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
Được biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên cũng đã thông qua Kế hoạch Hành động về Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN – Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN đã bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển mới, mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc sẽ có ý nghĩa sâu sắc hơn và nội hàm phong phú hơn.
ASEAN – Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giao lưu nhân dân và đạt được hợp tác sâu rộng hơn trong những lĩnh vực rộng lớn thông qua phát triển hiệp lực.
Nhìn lại 30 năm qua, quan hệ ASEAN – Trung Quốc đã hỗ trợ cho tiến trình hợp tác Đông Á với nền tảng sâu rộng và sức bật mạnh mẽ, đưa các nước Đông Á cũng nhau thực hiện chủ nghĩa khu vực mở rộng, duy trì hòa bình lâu dài trong khu vực và tạo nên điều kỳ diệu của thời kỳ phục hưng và thịnh vượng của châu Á.
Trong tương lai, tin chắc rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ đưa quan hệ hợp tác khu vực Đông Á lên một tầm cao mới.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)