Các trường hợp cai nghiện được hướng dẫn tham gia học nghề tại Trung tâm

Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đúng lúc nhiều học viên đang tích cực tham gia lao động trị liệu. Được sự hướng dẫn của bạn quản giáo nơi đây, tôi có thời gian trao đổi, trò chuyện với nhiều học viên đang chăm chú làm hương, đan lát nhiều sản phẩm tranh tre khá đẹp mắt. Một học viên được giới thiệu tên LVN., hơn 30 tuổi, khá điển trai ở huyện Quảng Điền vào trung tâm được hơn 2 tháng luôn cười khi nhìn chúng tôi. N. là người vui vẻ, lao động tốt, tích cực tham gia học nghề đan lát và chấp hành nghiêm nội quy nên chừng cuối tháng 10 này sẽ được trở lại gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

 Bạn N. chia sẻ, vì nghe theo bạn bè hút sách nên gia đình gửi vào trung tâm này mong em cai nghiện thành công. Qua một thời gian sống ở đây, được các anh chị quản giáo quan tâm, hỗ trợ nên em đã cắt cơn, thích học nghề làm hương và đan lát.

Hiện tại ở trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 500 trường hợp bị tâm thần và cai nghiện cho 24 trường hợp. Thoáng nhìn các bạn, anh chị cai nghiện ở đây phần lớn đều còn trẻ, ai cũng nói cười vui vẻ, chăm chỉ lao động, học các nghề may tre đan, thêu nón, làm hương, trồng nấm... do trung tâm phối hợp tổ chức. Đa số các bạn, anh chị là những người từng lầm đường lạc lối, rơi vào nghiện ngập phải trả giá cho những sai lầm của mình...

Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần và cai nghiện ma túy tại Trung tâm không chỉ đơn thuần là quan tâm về mặt sức khỏe, khám bệnh, kê toa thuốc mà phải chăm sóc toàn diện về sinh hoạt, ăn uống, tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề bệnh nhân, học viên chưa hiểu.

Ðội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong môi trường này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bệnh dịch phức tạp. Có nhiều trường hợp thường không kiểm soát được hành vi, gây mất an ninh trật tự, đánh nhau, đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải bản lĩnh, vững vàng và tinh thần trách nhiệm, bao dung, có tình người. Nhờ phương châm sống, làm việc đó mà trung tâm luôn tạo một đội ngũ cán bộ, nhân viên đoàn kết, gắn bó vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi là nhìn thấy bệnh nhân tâm thần sớm ổn định, các trường hợp cai nghiện thay đổi theo hướng tích cực, tái hòa nhập cộng đồng". Ông Bình nói.

Lời chia sẻ của Giám đốc trung tâm đã chứng minh bằng những con số cụ thể, hơn 2 năm dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng đơn vị đã phối kết các ban, ngành chức năng chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần (gồm hai thể phân liệt và động kinh) thuyên giảm 80-95%; hơn 30 trường hợp cai nghiện thành công trở lại hòa nhập cộng đồng và trong số này đều được trang bị các ngành nghề phổ thông có cơ hội tìm việc làm mang có thu nhập, không tạo áp lực cho gia đình xã hội.

Những hoạt động, việc làm đã, đang tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội, thời gian đến, trung tâm tiếp tục chú trọng thực hiện việc xây dựng khung nghiệp vụ công tác xã hội đối với bệnh nhân tâm thần, người cai nghiện ma túy... Điều thiết thực hơn là trung tâm tiếp tục chăm lo cơ sở vật chất, môi trường sạch đẹp; đẩy mạnh việc phối kết hợp đào tạo nhiều ngành nghề cho bệnh nhân và học viên cai nghiện để tạo cơ hội cho người "yếu thế" và lầm lạc sớm "tìm lại" chính mình.

Bài, ảnh: Song Minh