- Em ơi, có thể đặt niềm tin một chút được không, anh đi lỡ đường hư xe mà không đủ tiền sửa, còn có hai chục ngàn (vừa nói vừa đưa tờ hai mươi nghìn ra), gọi về nhà mà bà xã lại đi làm ở xa rồi. Em cho anh mượn tạm năm chục ngàn rồi nửa tiếng thôi anh trả. Có cần thì anh đưa máy điện thoại em giữ làm tin, được không?

Nhìn sơ qua thì thấy ăn mặc không phải quá tuềnh toàng, ngó cũng sức dài vai rộng chứ không phải hạng xì ke nghiện ngập. Ngần ngừ trong chốc lát, rất nhẹ nhàng chị lấy tiền ra đưa ngay. Người đàn ông cầm tiền cám ơn rối rít.

Anh ta đi rồi, chị nhìn theo bóng họ đi mất hút, tặc lưỡi: "Thôi kệ, người ta lỡ đường lỡ sá, giúp nhau khi ngặt, nhỡ đâu có lúc mình cũng gặp cảnh như thế thì sao!". Cũng có một thoáng lý trí: "Có lúc nào ông ta lừa mình không nhỉ!". Mà, có nhiều chi mô mà, với mình chừng nớ là to chứ chắc họ không lừa mình vì chừng nớ mô. Mà, nếu có lòng gian thì cũng coi như của đi thay người, ông trời sẽ khiến xui có người khác lại giúp đỡ cho mình. Mà, năm chục ngàn to thiệt đó, ít nhất là đối với chị.

Lấy hộp cơm hến ra ăn, chị thấy lòng mình rất vui, ừ mình còn nghèo, làm được việc chi tốt cứ làm, nếu mình lỡ đường có người giúp đỡ mình chắc khi đó mình cũng vui lắm. Chị nhớ năm chị chừng 16 tuổi, mượn xe máy ba đi mà hết xăng, buổi tối con đường Lê Lợi ngày ấy có một vài người bán thuốc lá, bánh kẹo, xăng lẻ trên vỉa hè.

Không còn cách nào khác, chị dừng xe và lễ phép: "Thưa dì, con đi lỡ đường hết xăng mà không có tiền, xin dì cho con nợ nửa lít xăng rồi sáng mai đi ngang con trả lại tiền cho dì ạ!". Dì bán xăng nhìn chị từ đầu xuống chân một thoáng rồi đứng dậy đổ cho chị liền. Trước khi nổ máy chị không quên cảm ơn rối rít và bảo dì an lòng. Đúng hẹn, mai chị ghé trả tiền, không quên hỏi: "Dì ơi, răng dì tin con mà cho con thiếu nợ rứa?". Dì nói: "Con bé này, dì lăn lộn ngoài chợ đời bao năm, nhìn mặt dì biết là đứa đàng hoàng hiền từ, nỡ lòng nào lừa dì hả con. Dì bán buôn cực khổ ngoài đường vậy mà!"

Thế nhưng, hôm nay chị đã chờ đến mỏi mòn con mắt, nửa tiếng, một tiếng, rồi đến trưa đến chiều cũng chẳng thấy tăm hơi anh ta xuất hiện. Biết rằng mình đã bị lừa, chị bình tâm suy nghĩ để phát hiện ra sự cả tin của mình. Ông ta mượn tiền nhưng vẫn mang khẩu trang, ông ta khôn ngoan khi biết nếu mượn với số tiền nhiều người ta sẽ không cho mượn nên làm theo kiểu kiến tha lâu đầy tổ, ông ta nói đưa điện thoại làm tin nhưng chỉ mới nói chứ không đưa ra. Như một khúc phim quay chậm, có những điều lẽ ra nếu sáng suốt chị đã không đặt niềm tin nhầm người. Nhưng có lẽ tính từ tâm của chị (cũng có thể gọi là cả tin) đã khiến chị không suy xét, không đắn đo. Dù chị đã đọc, nghe rất nhiều chiêu cách lừa tinh vi, ngoài đời lẫn trên mạng thông tin xã hội.

Đành thôi, có thể ông ta không còn cách nào khác, đang thất nghiệp mà gia đình lại đang rất cần tiền nên liều. Chẳng hạn vợ bệnh, con chưa có tiền nộp tiền học, hoặc nhỡ... nhiều ví dụ theo trí tưởng tượng thiện lành của chị để cố biện minh cho người đàn ông đi lừa bịp. Cũng là một cái nghiệp trong đời mà thôi! Chị tặc lưỡi rồi lại tất bật mời chào, băm chặt thoăn thoắt những trái dừa đáng yêu để bù lại số tiền vừa mất. Hôm nay trời nắng, chắc chị sẽ bán đắt hàng lắm đây.

Trang Thùy