Hành khách làm thủ tục check-in tại sân bay quốc tế Haneda ở thủ đô Tokyo. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Chỉ thị trên của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản được đưa ra trong hội nghị trực tuyến với MEXT ngày 29/8. Cụ thể, Thủ tướng Kishida đã chỉ đạo cho tân Bộ trưởng MEXT Keiko Nagaoka sớm đưa ra giải pháp nhằm triển khai hiệu quả “Kế hoạch 300.000 sinh viên quốc tế."

Điều này đồng nghĩa với việc bên cạnh kế hoạch khôi phục việc tiếp nhận số lượng sinh viên quốc tế đến Nhật Bản học tập là 300.000 sinh viên/năm, còn phải nâng cao hơn nữa con số này trong các năm tiếp theo.

Thủ tướng Kishida cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan xem xét cải thiện môi trường trong nước để các sinh viên quốc tế cũng như sinh viên Nhật Bản tốt nghiệp ở nước ngoài có thể đóng góp nhiều hơn cho Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.

Trong khuôn khổ chiến lược quốc tế hóa, “Kế hoạch 300.000 sinh viên quốc tế” do Tokyo xây dựng từ năm 2008 với tham vọng tăng số lượng sinh viên quốc tế đến Nhật Bản học tập từ 120.000 sinh viên/năm lên 300.000 sinh viên/năm. Chiến lược nhằm đưa Xứ sở Hoa anh đào thành một quốc gia cởi mở hơn với thế giới và thúc đẩy trao đổi con người, hàng hóa, tiền tệ, thông tin giữa châu Á với thế giới.

Vào tháng 5/2019, số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Nhật Bản đã đạt con số kỷ lục là 310.000 người, nhưng đã giảm mạnh xuống còn 240.000 sinh viên vào năm 2021 do tác động của đại dịch COVID-19.

Sự góp mặt của sinh viên quốc tế ngày càng trở nên thiết yếu đối với các trường đại học ở Nhật Bản, trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại nước này ngày càng giảm. Thậm chí, tại một số trường đại học, số lượng sinh viên quốc tế chiếm hơn 50% tổng số sinh viên theo học.

Theo Giáo sư Wataru Suzuki thuộc Khoa Kinh tế của trường Đại học Gakushuin, để kế hoạch nêu trên được thực hiện hiệu quả, không chỉ có MEXT mà rất cần sự phối hợp chung tay của cả Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp cũng như Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Như vậy mới tăng tính hấp dẫn của môi trường học tập và lao động sau tốt nghiệp của những sinh viên nước ngoài tại Nhật Bản.

Trả lời báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Keiko Nagaoka cho biết ngay từ tháng 9, bộ này sẽ xúc tiến nghiên cứu và xây dựng các giải pháp triển khai. Dự kiến đề án cụ thể sẽ được hoàn tất vào đầu năm sau và sẽ được Chính phủ Nhật Bản đưa vào một trong những chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khi nước này giữ vai trò Chủ tịch luân phiên vào năm 2023.

Theo TTXVN/Vietnam+