Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Tài chính, những con số tiết kiệm được Bộ Tài chính nêu ra không khỏi làm cho chúng ta băn khoăn. Nếu công tác giám sát không tốt, có thể cả hàng trăm ngàn tỷ đồng bị lạm dụng. Cụ thể theo thống kê của Bộ Tài chính như sau: “Giai đoạn 2016-2021, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 350 nghìn tỷ đồng; giảm giá trị đề nghị quyết toán 27,7 nghìn tỷ đồng qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước”. Đấy là con số chưa chi, không chi. Còn con số chi rồi kiến nghị thu hồi là “181.000 tỷ đồng, thu hồi 7.675ha đất”!

Những số liệu nói trên cho chúng ta thấy mức độ “sẵn sàng lãng phí” của hệ thống sử dụng ngân sách là rất lớn.

Một câu hỏi đặt ra là ai có quyền trong mức độ "sẵn sàng lãng phí" này? Chắc chắn là những người “trong cuộc”. Hay nói cụ thể hơn là những người đang thụ hưởng ngân sách. Nhưng không phải bất kỳ ai hưởng ngân sách cũng “tham gia” vào sự lãng phí được, mà là những người có quyền quyết định chi ngân sách. Nói thẳng ra, đó là những người đầu ngành, đầu cơ quan, đơn vị… Làm gì những người làm công ăn lương có quyền quyết định chi ngân sách được phân bổ mà chính là người đứng đầu, tức là chủ tài khoản. Đối với các công trình, chẳng hạn là những người đứng đầu chủ đầu tư.

Như vậy, chúng ta có thể chỉ ra chủ thể cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là những người tham gia quản lý ngân sách và cả thụ hưởng ngân sách. Điều này cũng có nghĩa là phải làm tốt công tác cán bộ. Từ công tác chọn lựa cán bộ đến giáo dục đào tạo, thậm chí là xây dựng các cơ chế “răn đe” vi phạm. Đã cán bộ quản lý mà khi có cơ hội là “sẵn sàng lãng phí” là cần phải xem xét lại công tác cán bộ.

Mới nhìn qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thôi chúng ta đã thấy, hệ thống cán bộ quản lý của chúng ta có vấn đề!

Một câu hỏi nữa là tại vì sao họ không tiết kiệm và chống lãng phí?

Có thể có nhiều lý do nhưng có một lý do quan trọng, đó là việc hưởng lợi từ hành vi này. Thói thường, không có lợi mà đặc biệt là lợi ích kinh tế thì họ có rất ít động lực để làm. Ví dụ chỉ việc phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành (sử dụng bằng vốn ngân sách Nhà nước), Bộ Tài chính đã chỉ ra “giảm giá trị đề nghị quyết toán là 27,7 nghìn tỷ đồng”. Hiểu ngược lại là những người có trách nhiệm thực hiện dự án mong muốn chi thêm chừng ấy số tiền từ ngân sách. Chúng ta nói tính chất “sẵn sàng lãng phí" là vậy. Rõ ràng ở đây, nếu công tác giám sát không tốt thì cũng đồng nghĩa với việc mất thêm ngân sách, tức là có một ai đó sẽ được hưởng từ nguồn mất ngân sách này. Đây chính là động lực kinh tế để họ "sẵn sàng" lãng phí.

Giờ là lúc không phải đợi đến lúc phát hiện không tiết kiệm, lãng phí mới chỉ ra, không chi thêm ngân sách hoặc thu hồi mà phải tìm ra cơ chế bịt ngay từ đầu việc phân bổ và chi ngân sách. Nhiều năm nay, Chính phủ buộc các đơn vị thụ hưởng từ ngân sách tiết kiệm ngay 10% khi phân bổ ngân sách hàng năm cũng là một cách. Giảm chi phí hội nghị, lễ lượt, chi phí công tác… cũng là một cách. Nhưng cách hay nhất chính là yếu tố con người. Tức là chúng ta chọn những người quản lý ngân sách, nói một cách khái quát là có tố chất “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Chính yếu tố con người như vậy sẽ là “cánh tay nối dài” của  Nhà nước để tham gia quản lý tốt việc chi tiêu ngân sách.

Nguyên Lê