Xây dựng giao thông, mở hướng đột phá phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở xã Điền Lộc
Gan lì và dũng cảm
Những năm đầu chống Mỹ, làng cát nơi ông Xuân lớn lên thảm khốc trong khói lửa chiến tranh. 10 tuổi, ông đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, nung nấu ý chí căm thù giặc vì chứng kiến cảnh cường hào của bọn địa chủ, sự thống trị, đàn áp của Mỹ - Ngụy. Hồi ấy, ông có biệt danh Xuân cát (Phong Thái, tính cách bền bỉ như cát) đã xin vào lực lượng du kích xã, làm giao liên ở làng Mỹ Hòa, xã Phong Phú (hiện là xã Điền Lộc). Nhiều người cho biết, hồi đó ông Xuân rất tinh nhanh, mưu trí, ban ngày học chữ, tối về làm giao liên, nắm tình hình địch nên trở thành người con uy tín của làng. Năm 15 tuổi, ông được cấp trên phân công phụ trách tổ chức lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang quần chúng ở vùng biển Điền Lộc. Năm 1966, ông mới 26 tuổi nhưng đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thời điểm này, địch tăng cường chống phá, giết hại dân lành hòng khủng bố trắng ở địa phương, lòng ông vô cùng căm phẫn. Tuổi trẻ, nhưng ông xác định "Đảng là của dân, cách mạng từ Nhân dân" nên kịp thời kết nối, ngày đêm bám địa bàn, xây dựng cơ sở bí mật từng thôn, tổ chức các phong trào quần chúng chuyên chở, nuôi quân, cũng như tuyên truyền thanh niên quê nhà thoát ly tham gia kháng chiến; nổi dậy đấu tranh phá kìm kẹp, giành chính quyền địa phương.
Cuối năm 1966, trận đánh lớn đầu tiên mà ông Xuân chỉ huy du kích địa phương phối hợp với Xã đội trưởng Quảng Thái, Phong Chương tiêu diệt hai trung đội nghĩa quân, dân vệ; đồng thời, phục kích bắt tên ác ôn cảnh sát trưởng xã Hải Nhuận. Sự kiện này đã tạo dấu ấn lớn về "phá kìm, diệt ác" lan truyền khắp huyện Phong Điền.
Năm 1967, tại Phong Điền địch liên tiếp mở các cuộc càn quét vào khu vực A - C thôn Thế Mỹ, Phường Mới. Dịp này, ông Xuân trực tiếp chỉ huy đánh trực diện tiêu diệt một tiểu đội địa phương quân gồm 12 tên và 6 tên nghĩa quân, thu 1 súng trung liên, 7 súng AR15, 6 súng garăng M1, 4 khẩu cabin. Sau trận đánh này, địch đưa máy bay ra đánh phá quân ta, ông Xuân trực tiếp bắn rơi 2 máy bay C130 của địch. Với chiến công này, tháng 7/1967, ông được dự Đại hội chiến sĩ công - nông - binh huyện.
Trong tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1968, được phân công phụ trách một mũi ở 6 thôn vùng biển, ông Xuân đã tổ chức hơn 1 nghìn người trang bị băng cờ khẩu hiệu đến bao vây quận lỵ Hương Điền, buộc chúng án binh bất động. Hai bên có những cuộc giằng co, đọ súng quyết liệt. Trước mưu lược của mình, ông Xuân đã gây tổn thất lớn cho địch, bọn chúng hoảng sợ bỏ chạy như ong vỡ tổ, buộc lính Mỹ ở căn cứ Đồng Lâm phải kéo ra bảo vệ quận lỵ.
Tổ chức đánh nhiều trận thành công, riêng trận cuối cùng trước khi bị bắt vào cuối năm 1968, ông Xuân tiêu diệt 10 tên địch; trong đó, có một chỉ huy trưởng. Khi sa vào tay giặc trên mình mang đầy thương tích, nhưng ông vẫn bị giặc tra tấn một cách man rợ, như dùng lưỡi lê xăm người, rạch mặt, bụng, cắt 2 tai, bẻ gãy 3 xương sườn, chặt đứt hai ngón tay và treo cả người lên cây... Trước ranh giới sinh - tử ấy, ông một mực không khai báo, giữ bí mật cơ sở Đảng địa phương an toàn. Không khai thác, nắm bắt được thông tin, cuối cùng bọn chúng đưa ông vào nhà lao Pleiku, rồi đến nhà lao Hố Nai (Biên Hòa)...
"Lửa" không tắt ở Điền Lộc
Hôm về Điền Lộc hữu duyên khi gặp một chứng nhân biết rõ về những ngày ông Xuân tranh đấu là ông Phan Xuân Thức ở xã Điền Hải (Phong Điền). Ông Thức đã có những năm tháng cùng chiến đấu và cùng bị đòn roi nơi nhà lao Phú Quốc năm xưa với ông Xuân. Dù tuổi già, trí nhớ không còn như những ngày cắt rừng băng suối, nhưng hỏi chuyện ông Xuân, ánh mắt ông Thức sáng lên. Trong câu chuyện thỉnh thoảng giọng ông Thức ngắt quãng, bồi hồi... anh Xuân là người cùng làng, là sếp của tôi, anh dũng kiên trung lắm...
Ông Thức kể, khi ông đang bị giam cầm tại nhà lao Phú Quốc thì đầu năm 1971 ông Xuân được đưa từ nhà lao Hố Nai (Biên Hòa) ra. Lúc này ông Xuân đã có triệu chứng bệnh trong người nhưng nghe Hoàng Xuân nhập trại, các cai ngục mở trận "chào hỏi" bằng những đòn đánh tới tấp bằng báng súng, dùi cui. Sau "thủ tục nhập trại", ông Xuân tiếp tục nhận những trận "mưa" đòn roi đau đớn.
Dù địch dùng mọi hình thức tra tấn dã man, bản thân đau ốm nhưng ông vẫn xây dựng được tổ chức Đảng, lãnh đạo hàng trăm anh em tù binh đấu tranh kiên trì, bền bỉ, bảo vệ sinh mạng và phẩm chất chính trị của người chiến sĩ cách mạng. Nhiều lần ông đứng ra tổ chức cho đồng đội đào hầm vượt ngục, nhưng bất thành...
Thấy mức độ nguy hiểm đòi quyền dân sinh của ông, bọn chúng lại đưa ông vào trại biệt giam B13. Thế là ông Xuân bị nhốt vào thùng conex dài chưa tới 2m, rộng 1,5m gần một tháng. Ông Thức nói, những ai ở biệt giam ở nhà lao Phú Quốc mới biết địa ngục trần gian. Mỗi ngày chỉ một bữa cơm với muối trắng. Ăn rồi phải nằm trên giàn thép gai phơi nắng. Ban đêm "chùm hum" giữa nền đất, lúc về khuya phải chịu cơn rét thấu xương. Thế nhưng khi chúng thả về trại, thân hình đã mềm nhũn như ngọn khoai phơi nắng, nhưng ông không nao núng, kiên định lý tưởng, giữ khí tiết cách mạng, đấu tranh đến cùng.
Tháng 2/1973, trước khi được trao trả về đất liền, ông Xuân chịu những cơn đau do di chứng những ngày chiến đấu và trong lao tù để lại. Sau đó ông được đưa ra an dưỡng tại Ban B, Quảng Bình. Thời điểm này, ông Xuân vẫn thiết tha xin trở lại miền Nam chiến đấu. Tuy nhiên ý nguyện không trọn vẹn vì cơn đau thập tử nhất sinh ập đến, ông phải chuyển ra điều trị tại Bệnh viện 108 Hà Nội. Tại đây các bác sĩ phát hiện trong bụng ông có nửa chiếc panh bị hoen gỉ mà chính bọn Mỹ đã cố tình dùng dây néo nửa chiếc panh ấy ở ruột già khi ông bị bắt, bị mổ bụng vào cuối năm 1968 tại quê nhà.
Ông Xuân đã về miền yên lặng vào ngày 6/10/1974. Tên tuổi, khí tiết trong những ngày đấu tranh năm xưa của ông luôn vọng về nhắc nhở cho thế hệ trẻ, con cháu học tập làm theo- một tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng - quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trước năm 2000, ông Hoàng Xuân được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
“Chúng tôi tự hào, tri ân anh Hoàng Xuân, người đồng chí, đồng đội đã anh dũng kiên trung cống hiến máu xương góp phần cho nước nhà đi đến ngày thống nhất khải hoàn, cho mảnh đất Phong Điền hôm qua rồi hôm nay và ngày mai nữa thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống ấy để xây đắp quê nhà ngày càng phát triển phồn vinh, giàu đẹp” - Ông Trần Ngọc, Chủ tịch Hội người tù yêu nước huyện Phong Điền.
Bài, ảnh: Minh Văn