Chợ Đông Ba kỷ niệm 123 năm xây dựng và phát triển chợ vào tối 23/8, đúng vào ngày Cách mạng Tháng Tám thành công tại Huế và chào mừng Quốc khánh 2/9 với chương trình nghệ thuật “Đêm Đông Ba”.
Chợ là nơi giao lưu, buôn bán. Với chợ Đông Ba hơn thế khi nó còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người lao động vùng đất Cố đô Huế. Bởi thế, lắng đọng và nhiều cảm xúc là chương trình nghệ thuật mang tên “Nét xưa” của “Đêm Đông Ba” gắn với hình ảnh 123 tiểu thương của chợ rạng rỡ trong tà áo dài, bước đi uyển chuyển trên sân khấu dài 84m ở đường Trần Hưng Đạo và hình ảnh tiểu thương chợ Đông Ba buôn bán tại chợ trong hai cuộc kháng chiến. Nhớ mới đây đọc trên zalo của một nhóm bạn, có người đã không kìm nổi cảm xúc khi thốt lên “mấy o, mấy chị biểu diễn tự nhiên quá, còn hơn trong phim nữa”. Và, họ cũng không quên lý giải: “Vì đó là hoạt động hằng ngày của họ mà”.
Những chiều mùa thu, Huế dạo này hay chợt nắng, chợt mưa. Bất chợt vang vọng đâu đó câu hát “Chợ Đông Ba khi mình qua…” (thơ Tôn Nữ Hỷ Cương, nhạc Minh Kỳ). Rồi một hôm nào đó như thấy lòng lắng xuống khi nghe lại những ca từ của Phạm Đình Chương “Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ…” (Tiếng hát sông Hương). Chợt như đồng cảm và hiểu hơn khi bảo Đông Ba là hồn của phố Huế. Lại nghĩ, không có ngôi chợ nào trên đất nước này mà lại đi vào những ca khúc trữ tình nổi tiếng một thời như Đông Ba của Huế. Có vẻ như duyên phận của ngôi chợ bên dòng Hương Giang đã tạo thêm những nỗi niềm riêng, thấm đậm cho Huế yêu thương.
Cách nay không lâu, chương trình “Việt Nam tươi đẹp” phát sóng trên kênh truyền hình HTV9 (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh), quảng bá du lịch Việt Nam, đã kể lại hành trình “Về lại Huế thương” cùng ca sĩ nổi tiếng Noo Phước Thịnh, có quê ngoại ở Huế. Một trong những điểm nhấn tạo được ấn tượng mạnh mẽ là chợ Đông Ba. Qua hành trình của Phước Thịnh, chợ Đông Ba nổi lên với tư cách là một địa chỉ văn hóa - du lịch đặc sắc. Ở đó có thể thưởng thức các loại bánh đặc trưng, như: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc chính gốc của Huế, hay mè xửng, bánh ép… Có thể mua phấn nụ, loại mỹ phẩm thượng hạng của những cung tần mỹ nữ ngày xưa tại hoàng cung hay sử dụng mà Noo Phước Thịnh mua tặng cô bạn gái Tú Anh.
Nhớ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng bảo, muốn đi tìm cái bản sắc Huế, cứ đến chợ Đông Ba, lớn nhất Kinh kỳ, là có thể tìm thấy mọi thứ. Kể từ khi cửa Chánh Đông “đem ra ngoài giại”, một khu đất trống sát bờ sông Hương gần bến đò Trường Tiền vào năm 1899, chợ Đông Ba luôn là một địa chỉ văn hóa quan trọng trên bản đồ Huế. Nơi đây quy tụ sản phẩm của các làng nghề truyền thống địa phương, như: Vàng bạc Kế Môn, kim khâu Mậu Tài, mây tre Bao La, hoa giấy mứt bánh Kim Long, nón lá Phủ Cam... Cũng như, muốn thưởng thức cơm hến, bún bò Huế, chè Huế hay bánh Huế đúng nghĩa, du khách hãy tìm đến nơi này, nơi lưu giữ bản sắc ẩm thực địa phương chân xác nhất. Nhà ẩm thực người Mỹ lừng danh Anthony Bourdain cũng đã đến ăn bún bò ở chợ Đông Ba và cho rằng, bún bò Huế là món súp ngon nhất thế giới.
Tối đó là “Đêm Đông Ba” và tôi đã nghĩ như một sự kết nối với quá khứ và đương đại của những danh xưng quanh hai tiếng “Đông Ba”, kể từ khi vì kiêng húy tên mẹ bà Hồ Thị Hoa mà vua Thiệu Trị đã đổi tên Đông Hoa thành Đông Ba: sông Đông Ba, bến Đông Ba, phố Đông Ba, cầu Đông Ba, cửa Đông Ba… Và thêm nữa là chợ đêm Đông Ba. Để rồi, lắng đọng lại trong mỗi người là một văn hóa Đông Ba giàu bản sắc, cần được nghiên cứu và khám phá.
Đan Duy