Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Trung ương Huế thăm bệnh nhi ung thư tại Trung tâm Ung Bướu

Cải thiện chất lượng sống

Chăm sóc giảm nhẹ vận dụng những chứng cứ tốt nhất hiện có để ngăn ngừa và giảm nhẹ các đau khổ về thể chất, tâm lý xã hội hay tâm linh mà người bệnh và người nhà của họ đang phải chịu đựng. Bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau cũng như các vấn đề khác về thể chất và tinh thần, CSGN tham gia vào quá trình điều trị người bệnh. Trong đó, CSGN vừa khắc phục những triệu chứng khó khăn của một căn bệnh, vừa giúp bệnh nhân hiểu về lợi ích của các phương thức điều trị có thể được sử dụng. Từ đó, giúp họ giảm nhẹ các áp lực cảm xúc, thể chất và tài chính khi mà thời gian sống tiên lượng không còn nhiều.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm thế giới có hơn 56,8 triệu người cần CSGN; trong đó 25,7 triệu người gần giai đoạn cuối đời. Việt Nam với dân số đang già hóa cũng gặp những thách thức tương tự. Năm 2006, Bộ Y tế đã đưa các nội dung CSGN áp dụng đối với người bệnh ung thư và AIDS. Đến nay, nhiều bệnh lý mạn tính khác cũng đã được CSGN, như: bệnh lao đa kháng thuốc, bệnh phổi giai đoạn cuối, bệnh tim giai đoạn cuối, trẻ em, người cao tuổi, sa sút trí tuệ, người bị chấn thương hoặc bệnh hiểm nghèo.

Trong các loại bệnh lý hiểm nghèo mà con người đang phải đối mặt, ung thư là loại oan nghiệt, đọa đày và có sức tra tấn tinh thần người bệnh và người nhà khủng khiếp nhất. Với các bệnh nhân ung thư, CSGN chủ động tiếp cận ngay từ thời điểm chẩn đoán với phần việc thông báo tin xấu. Cẩn thận, nhẹ nhàng và thận trọng là những kỹ năng của nhân viên y tế CSGN khi thông báo tin xấu cho bệnh nhân và người nhà. Họ cũng chuẩn bị tâm lý cho tình huống có thể nhận lại từ phía bệnh nhân và người nhà những phản ứng cảm xúc như khóc than, nước mắt hoặc sự giận dữ.

Điều dưỡng gần gũi, hỗ trợ bệnh nhân

Sau khi bệnh nhân và người nhà được thông báo về tình trạng bệnh và đồng ý điều trị, CSGN tiếp tục đồng hành với quá trình điều trị đặc hiệu bằng cách hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng, các tác dụng phụ đối với bệnh nhân. Đến lúc nào đó, khi điều trị đặc hiệu không còn khả năng điều trị cho bệnh nhân nữa thì phần việc của CSGN ngày càng nhiều hơn và chiếm toàn bộ việc chăm sóc điều trị cho bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân qua đời.

“Mục tiêu của CSGN không phải là kéo dài cuộc sống cho người bệnh, mà là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và người nhà khi họ phải đối diện với những đau đớn về thể xác và tinh thần do bệnh tật đem lại. Thậm chí, ngay cả khi người bệnh không còn có thể sống, thì CSGN sẽ hỗ trợ người bệnh có được “cái chết có chất lượng”. Không đau đớn, ra đi nhanh trong không gian thanh tịnh và có người thân bên cạnh”, PGS.TS.BS. Phạm Nguyên Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ung Bướu (Bệnh viện Trung ương Huế), Phó Chủ tịch Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam nhấn mạnh thêm.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Ung Bướu

“Sự kết thúc” đẹp

TS. Đặng Hoàng Giang - tác giả của cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” từng chia sẻ: Tôi đã chứng kiến nhiều người bị bệnh viện trả về, chỉ có gia đình họ xoay xở với nhau ở nhà, không có sự can thiệp giảm nhẹ nào. Những cái chết từ từ đau đớn đó là cuộc tra tấn tinh thần khủng khiếp đối với người bệnh và thân nhân của họ. Mỗi ngày đất nước chúng ta có hàng chục, hàng trăm người phải nói lời vĩnh biệt trong sự đau khổ như thế. Tôi mong nền y tế Việt Nam sẽ chú ý đến CSGN để những người cận tử có được hành trình bình an, thanh thản nhất có thể.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, CSGN hiện diện ở tất cả các khoa. Ở đó, các bác sĩ, điều dưỡng vừa điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân vừa hỗ trợ tâm lý, tinh thần cho cả bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ tại Trung tâm Ung Bướu là nơi “nước rút” chăm sóc tích cực cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Giai đoạn này những diễn biến tâm thể của người bệnh và người thân càng dồn nén và phức tạp hơn, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Các biện pháp điều trị đặc hiệu không còn hữu hiệu. Người bệnh càng đi đến những ngày cuối đời, CSGN càng quan trọng để giúp cho người bệnh “dừng lại” một cách tự nhiên, thanh thản, giảm thiểu tối đa sự đau đớn.

Gần hết giờ làm buổi sáng, nhưng BS CKII. Võ Thế Thọ, Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ vẫn chưa kịp ăn bữa sáng và luôn tất bật giữa các phòng có bệnh nhân nặng cần sự ưu tiên. Ông bảo, khoa có 92 giường, nhưng tại thời điểm này có gần 100 bệnh nhân đang điều trị. Hầu hết người bệnh đều đã không còn khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị đặc hiệu. Nhiều người đến đây thời gian còn vài tháng, người vài tuần nhưng cũng người cũng chỉ còn được vài ngày.

Trên khuôn mặt hiền, trong giọng nói cũng hiền, nụ cười của vị trưởng khoa lại khiến người đối diện ấm áp khi chia sẻ: “Tôi đã từng chứng kiến cảnh người quen của mình thắp hương cầu khấn, xin cho người thân của mình được ra đi nhanh nhất có thể để không phải chịu đựng những cơn đau về thể xác. Chúng tôi luôn cố gắng làm sao để người bệnh giảm đau đớn về thể xác, giúp họ đã đỡ cảm thấy bức bối trong thời gian cuối cùng của cuộc đời và không mất hy vọng sống. Chỉ cần bệnh nhân còn tỉnh táo và ít đau đớn cho đến khi “dừng lại”, ấy đã là thành công rồi”.

Bài: Đồng Văn

Ảnh: Thượng Hiển - Trung tâm Ung Bướu cung cấp