Nhu cầu tín dụng trên thị trường rất lớn
Kỳ vọng
Khó khăn về vốn được xem là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay khi muốn phục hồi kinh tế cần nguồn lực rất lớn đầu tư cho phát triển sản phẩm, thị trường, đội ngũ nhân sự. Trong khi đó, theo khảo sát PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố thì doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo kết quả khảo sát, có 81% doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận tín dụng do không có tài sản thế chấp, kế đến là thủ tục vay vốn rất phiền hà; tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi...
Gặp khó khi vay vốn từ ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, khách hàng vay vốn phải tìm kiếm các nguồn cho vay khác như huy động vốn người thân, tìm đến các quỹ đầu tư…
Tại hội nghị kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, một doanh nghiệp khá bức xúc khi cho rằng, mặc dù mình đã có tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng cũng chỉ cho vay với hạn mức rất thấp so với giá trị thực của bất động sản. Điều này gây không ít khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn khôi phục kinh tế như hiện nay.
Không riêng gì doanh nghiệp, nhiều khách hàng cá nhân cũng phản ảnh hiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng theo hình thức tín chấp hay thế chấp đều khó hơn trước đây khá nhiều. Vì thế, thông tin điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% được xem là tín hiệu vui cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp, khách hàng cá nhân đều có chung kỳ vọng việc nâng hạn mức tăng trưởng sẽ tăng khả năng tiếp cận các chương trình tín dụng.
Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên
Các ngân hàng tăng cường huy động vốn
Đến cuối tháng 7/2022, dư nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt đạt 70.800 tỷ đồng, tăng 11,87% so với cuối năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng toàn quốc. Trong khi đó, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 59.600 tỷ đồng, tăng 7,16% so với đầu năm. Khoảng cách chênh lệch giữa huy động vốn và dư nợ cho thấy tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn không theo kịp khiến thanh khoản của các ngân hàng gặp khó. Và để giải quyết vấn đề này, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn để hút vốn. Tuy nhiên, theo nhận định việc tăng lãi suất huy động cũng gây áp lực không nhỏ khiến lãi suất cho vay tăng theo, gây áp lực trở lại cho việc tiếp cận vốn tín dụng.
Theo nhận định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, NHNN vẫn đang bám sát định hướng nhiệm vụ giải pháp của NHNN Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, NHNN tỉnh đã chỉ đạo, theo dõi, giám sát các TCTD trên địa bàn mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Hiện, trên địa bàn có 23/28 chi nhánh ngân hàng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 13.040 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,5% tổng dư nợ tín dụng, tăng 8,97% so với đầu năm. Đáng chú ý, tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.841 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,5%, tăng 22,05%. Những con số này phần nào cho thấy những nỗ lực của các TCTD khi đang tập trung hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.
Giám đốc NHNN tỉnh Phạm Bá Nam nhấn mạnh, một trong nhiệm vụ quan trọng trong những tháng cuối năm của các TCTD chính là dựa trên kế hoạch tăng trưởng tín dụng được hội sở chính giao, các ngân hàng cần ưu tiên vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế địa phương. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, BOT...) đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả từ đó tạo động lực trong phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Hoàng Loan