Trung tá Đặng Văn Việt, GS. Lê Quang Long thứ 2, 3 từ phải sang

Thông qua hồi ức, nhiều vị tướng, tá - những cựu học viên của ngôi trường này đã kể lại khá tường tận về quá trình họ đã được “Việt Minh hóa” như thế nào, cũng như những đóng góp của họ trong Cách mạng tháng Tám 1945 diễn ra ở Huế.

Cách mạng thành công, họ được giao nhiệm vụ thành lập Giải phóng quân Thuận Hóa và đã vào Mang Cá, lên Chín Hầm lấy vũ khí của Pháp để tự trang bị cho mình.

Khi Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, hơn một nửa lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa tham gia Nam tiến và Tây tiến. Trong số này đã có 8 vị trở thành tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).

Cuối năm 2012, địa điểm của ngôi trường này (118 đường Lê Duẩn - Huế ) được tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích Lịch sử cách mạng. Tiếp đó, Luật sư Phan Anh và GS. Tạ Quang Bửu - hai vị sáng lập Trường được công nhận Cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Nhờ làm phim tài liệu nên tôi may mắn được tiếp xúc với những vị còn sống, trong số đó có Trung tá Đặng Văn Việt và GS. Lê Quang Long - cả hai vốn là sinh viên Trường cao đẳng Y khoa Đông Dương, do Nhật đảo chính Pháp nên rời Hà Nội về Huế đăng ký vào học ở Trường Thanh niên tiền tuyến (tháng 7/1945).

“Hùm xám đường số 4” 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Trung tá Đặng Văn Việt, dù đã trên 90 tuổi nhưng ông vẫn hoạt bát (không chỉ đèo tôi bằng xe máy rong ruổi phố phường Hà Nội mà còn khiêu vũ và đánh quần vợt).

Trong căn hộ ở Khu tập thể Bộ Xây dựng, ông tặng tôi những cuốn sách đã xuất bản và bản thảo cuốn Lịch sử quân sự Việt Nam; đồng thời cho xem lá đơn mà ông kêu oan cho cha mình là cụ Đặng Văn Hướng, cựu Tổng đốc Nghệ An, nguyên Quốc vụ khanh phụ trách Thanh - Nghệ - Tĩnh bị đấu tố trong Cải cách ruộng đất năm 1954 dẫn đến hệ lụy là ông phải chuyển ngành, không được tiếp tục ở trong Quân đội. Những ký ức hào hùng của ông chủ yếu vẫn là thời còn ở Huế và những tháng năm tham gia đánh Pháp.

Hôm đưa tôi đến khu tập thể của Trường đại học Sư phạm Hà Nội để thăm GS. Lê Quang Long, nhờ được nghe câu chuyện liên quan đến việc bắn hay không bắn những người dám hạ cờ quẻ ly để treo cờ Việt Minh lên kỳ đài Huế vào chiều  21/8/1945, tôi mới thật sự cảm phục hành động của hai học viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế: Nguyễn Thanh Lương và Đặng Văn Việt.

GS. Long cho biết:

- Chiều đó, mẹ tôi - Công chúa Lương Diên vào Điện Kiến Trung thăm cậu Bảo Đại, tình cờ nghe chuyện ông Cai Kỉnh (chỉ huy của đại đội lính khố vàng) gọi điện vô xin ý kiến về việc có bắn hay không bắn những người dám hạ cờ của hoàng gia. Có lẽ do quá sợ uy danh của Việt Minh nên cậu Bảo Đại ra lệnh dứt khoát: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, Việt Minh đấy. Không được bắn. Bây bắn là tau chết trước!”.

Nhân bối rối về cách xử lý chuyện Việt Minh dám cho treo cờ, cậu Bảo Đại bèn hỏi mẹ tôi “Tình hình thế này rồi mần răng chị?”.

Mẹ tôi là một trí thức, thông thạo cả Nho học lẫn Tây học bèn trả lời:

- Cậu học và đỗ tú tài bên Pháp chắc là thông hiểu lịch sử của họ. Khi cách mạng Pháp - 1789 nổ ra, kết cục thế nào thì cậu đã rõ. Cậu nhìn xung quanh mình đi, bây giờ cậu còn ai? Thằng Long (Lê Quang Long), cháu cậu, thằng Việt (Đặng Văn Việt), con của Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng, thằng Hoàng (Tôn Thất Hoàng), con Thượng thư Tôn Thất Quảng, thằng Sum (Võ Sum), con của Án sát Võ Chuẩn, thằng Bình (Hoàng Xuân Bình), em của Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn... Chúng nó là những đứa có học nhưng đã đều đi theo Việt Minh, theo ông Nguyễn Ái Quốc. Cậu không thể bẻ nạng chống trời!

Do áp lực và tác động từ nhiều phía, như chúng ta đều biết, chiều 30/8/1945, tại Ngọ Môn - Huế, vua Bảo Đại đã thoái vị.

Khi Pháp trở lại xâm chiếm Đông Dương, cuối năm 1945, Đặng Văn Việt được phái sang Lào, sau đó ra chiến khu Việt Bắc và trở thành vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 của vùng Cao - Bắc - Lạng (năm 1949).

Tên tuổi của Đặng Văn Việt gắn với đường số 4 khi ông dẫn quân tham chiến ở Bông Lau và Đông Khê. Trong trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới 9/1950 ở Đông Khê, Đặng Văn Việt vui mừng gặp người bạn cùng mình treo cờ lên kỳ đài Huế - ông Nguyễn Thế Lương, lúc này mang tên Cao Pha, Cục phó Cục Quân báo đang phụ trách tình báo của chiến dịch.

Theo phân công của Bộ chỉ huy, Trung đoàn 174 cùng Trung đoàn 209 và một số đơn vị của Sư đoàn 308 đã làm chủ cứ điểm Đông Khê, buộc quân Pháp phải điều quân từ Cao Bằng đến cứu. Charton và La Page - chỉ huy hai cánh cứu viện cho Đông Khê của quân đội Pháp bị bắt.

Đặng Văn Việt được Nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng tặng cho danh xưng “Đệ tứ lộ đại vương”. Binh sĩ Pháp xem ông là con “Hùm xám đường số 4”.

Năm 1993, Tổng thống Pháp F.Mitterand, vị nguyên thủ đầu tiên của các nước phương Tây chính thức thăm Việt Nam và ông đã đến Điện Biên Phủ.

Sau chuyến đi lịch sử này, hàng ngàn cựu binh Pháp đã trở lại thăm chiến trường xưa và nhiều người đã tìm gặp con “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt.

Có lẽ vì quý mến và nể trọng mà trong thư hay trên bao bì của những thùng quà thỉnh thoảng có cựu binh Pháp đề gửi “Général Viet”.

Không đợi tôi hỏi, ông vui vẻ giải thích: “Khi họ biết tôi làm Trung đoàn trưởng 174 thì anh Chu Huy Mân làm Chính ủy Trung đoàn. Anh Mân mang lon Đại tướng nên họ nhầm tôi là tướng cũng là điều bình thường”.

Thời trai trẻ oanh liệt 

GS. Lê Quang Long như ông giới thiệu là con của Chánh sứ đại diện triều đình Huế Lê Quang Thiết và là cháu ngoại vua Thành Thái.

- Khi cậu Bảo Đại trở lại làm Quốc trưởng thì cha tôi được cử làm Thủ hiến.

Vì “mắc kẹt” chuyện này nên con đường thăng tiến của tôi gặp nhiều trắc trở.

Cũng như Trung tá Đặng Văn Việt, GS. Lê Quang Long cũng có một thời trai trẻ oanh liệt, khi ông tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của ông.

Đó là những ngày cuối tháng 10/1945, sau khi có Hiệp ước tương trợ Lào - Việt, từ Huế, nhận lệnh của Việt Minh Trung bộ, ông cùng Nguyễn Sĩ Kha (bạn cùng học Trường Thanh niên tiền tuyến Huế) được xe bí mật đưa sang Lào. Đến

Sê-Pôn, đoàn Huế hợp nhất cùng đoàn Hà Nội, trên xe có chở Hoàng thân Xuphanuvông. Phái bộ Việt Minh do ông Trần Đức Vịnh (sau này là Trung tướng QĐNDVN) dẫn đầu. Ngoài ba chúng tôi còn có ông Thạc và Dĩnh đi theo bảo vệ Hoàng thân.

Sau khi hội ý, Hoàng thân Xuphanuvông quyết định tiến thẳng lên Thà Khẹt.

Nghe tin Hoàng thân trở về cùng phái bộ Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi qua, nhiều thanh niên Lào và Việt hăng hái xin gia nhập lực lượng chống Pháp. Dưới sự chỉ huy của Hoàng thân Xuphanuvông, lực lượng kháng chiến đã tấn công quân Pháp tại Thà Khẹt. Sau trận đánh đó, Phái bộ Việt Minh cùng Hoàng thân dùng tàu thủy ngược dòng Mekong lên Viêng Chăn.

Tại đây, nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra. Trong một trận đánh ở Y-Lay, cách Viêng Chăn khoảng 5km, ông Lê Quang Long bị thương. Sau khi vén áo cho chúng tôi xem sẹo còn hằn ở bụng, GS. Lê Quang Long kể:

- Điều làm tôi xúc động nhất là ngay sau trận đánh, chính Hoàng thân Xuphanuvông đã đích thân dìu tôi lên xe riêng của mình rồi một tay ông cầm vô-lăng, một tay quàng qua người tôi, để dòng máu Việt của tôi chảy chan hòa trên làn da Lào thấm đẫm mồ hôi và bụi chiến trường của Hoàng thân. Đến bệnh viện Viêng Chăn, Hoàng thân đã sốt sắng giữ tôi ở lại, với lời căn dặn bệnh viện phải gắng chữa chạy cho tôi sớm bình phục. Ít lâu sau đó, Hoàng thân lại vội vã bôn ba lên Luang Pra băng - Thủ đô chính trị của Lào để hội kiến với vua cha và anh là Thủ tướng Phet Xa Rạt bàn mưu cứu nước.

Trở về Huế, ông Lê Quang Long đến trình diện Việt Minh Trung bộ đóng ở Tòa Khâm sứ cũ và được ông Thanh Vân - Ủy viên Quân sự Trung bộ cấp giấy giới thiệu tiếp tục ra Hà Nội theo học ngành Y với lời mở đầu rất trang trọng: “Đồng chí Lê Quang Long là Đặc Phái viên quân sự Liên quân Lào - Việt, theo bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông và đã bị thương trong khi xung đột với quân Pháp gần Viêng Chăn...”.

Và ở cuối trang giấy giới thiệu, ông Lê Quang Long còn thuộc lòng lời phê của GS. Hồ Đắc Di, lúc đó là Trưởng khoa Y - Dược của Viện đại học Hà Nội: “Sinh viên APEM cũ, cho vào học tiếp ở năm thứ hai...”.

Cuộc đời của Lê Quang Long từ đó rẽ sang hướng khác. Kháng chiến 1947 bùng nổ, ông tản cư vào Hà Tĩnh dạy học, năm 1951 được cử sang Học xá Nam Kinh - Trung Quốc học lớp Sư phạm cao cấp.

Năm 1955, ông Lê Quang Long trở thành giảng viên bộ môn Sinh vật của Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu.

GS. Lê Quang Long biết 8 ngoại ngữ, được mời tham gia giảng dạy ở nhiều nước và UNESCO mời ông làm Ủy viên Hội đồng quốc tế về giáo dục, khoa học.

Sau khi nghỉ hưu, GS. Lê Quang Long vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và tiếp tục viết gần 50 đầu sách trong số 100 đầu sách về sinh học.

Dù vậy nhưng mãi đến năm 2014, GS. Lê Quang Long mới được Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị Chủ tịch nước đặc cách phong tặng danh hiệu: Nhà giáo Nhân dân! 

Mong ước “luôn là giáo viên có ích cho đất nước, cho đời” của GS. Lê Quang Long đã được Nhà nước ghi nhận.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu