Trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản
Tận dụng thế mạnh của các dự án FDI
Nhìn từ góc độ tăng trưởng năm 2021, khu vực FDI đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của Thừa Thiên Huế. Dù có những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch, song doanh thu khu vực này đạt 1.200 triệu USD tăng 15% so với cùng kỳ, nộp ngân sách đạt 129 triệu USD tăng 19,5%, chiếm 26,2% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là doanh nghiệp FDI có đóng góp ngân sách lớn nhất cho tỉnh với 88,3 triệu USD, chiếm 68,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực FDI.
Những cái tên khác cũng có những đóng góp không kém giúp Thừa Thiên Huế tăng trưởng vượt dịch, như Công ty Scavi Huế đã đóng góp ngân sách 12 triệu USD, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2020.
Ngoài đóng góp vào tăng trưởng chung, các doanh nghiệp FDI cũng góp phần rất lớn trong công tác an sinh khi giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, nâng cao đời sống người dân. Riêng năm 2021, khu vực này sử dụng hơn 24.500 lao động, trong đó, các doanh nghiệp dệt may giải quyết nhiều lao động nhất như: Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam (Hoa Kỳ) giải quyết cho gần 6.400 lao động, Công ty Scavi Huế (Pháp) giải quyết hơn 8.000 lao động.
Doanh nghiệp FDI còn tạo nên những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD có sự đóng góp không nhỏ của khu vực này.
Cơ hội trong thu hút đầu tư
Với những lợi thế riêng có của mình, khu vực FDI luôn thể hiện được thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương. Trong các chính sách thu hút đầu tư, khu vực này luôn được quan tâm và có được những ưu tiên nhất định.
Ngay khi tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, Việt Nam đã chính thức khôi phục chính sách thị thực như trước dịch COVID-19, nhằm mở cửa đón du khách quốc tế quay trở lại. Điều này không chỉ mang lại hiệu ứng tích cực với du lịch mà việc nới lỏng các biện pháp nhập cảnh còn góp phần đáng kể thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Cũng ngay sau ngày “mở cửa” trở lại, UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã tổ chức thành công hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”. Đây không chỉ là một sự kiện đối ngoại quan trọng đánh dấu quan hệ hợp tác với AmCham, mà hoạt động này còn đánh dấu sự chuyển mình trong công tác xúc tiến đầu tư của Thừa Thiên Huế. Từ hoạt động này, hoạt động xúc tiến đầu tư được chuyển từ thu hút đầu tư trực tuyến sang tâm thế kêu gọi đầu tư trực tiếp, tăng cơ hội tìm kiếm, tiếp cận với những nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh và uy tín.
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh” chính là thông điệp của tỉnh Thừa Thiên Huế về khát vọng vươn lên mạnh mẽ của vùng đất Cố đô. Đây là cơ hội để Thừa Thiên Huế quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh khác biệt và mục tiêu, định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới nhằm xúc tiến, thu hút, kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường đảm bảo phù hợp với thực tiễn và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Sau hội nghị lần này, AmCham đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Thừa Thiên Huế để kết nối, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, uy tín của Hoa Kỳ đầu tư vào địa phương. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp tại địa phương, các tỉnh và xúc tiến quảng bá đi các nước cũng được Thừa Thiên Huế tổ chức và tham gia. Ngoài các buổi làm việc, khảo sát trực tiếp của các tập đoàn lớn hay ký kết biên bản thảo luận, hợp tác… tỉnh cũng tổ chức và tham gia xúc tiến đầu tư, thương mại trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Séc - châu Âu tại Cộng hòa Séc và Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu Nhật Bản…
Những hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian qua sẽ là bước đệm trong công tác thu hút đầu tư trong thời gian tới. Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục điều chỉnh các phương án xúc tiến đầu tư để thích ứng với tình hình thực tế. Ngoài tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp cũng như quan tâm việc xúc tiến và hỗ trợ cho các dự án FDI; nhất là ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu và triển khai dự án trên địa bàn.
Tỉnh cũng đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI tại địa phương. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, qua đó cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên cập nhật các nội dung mới nhất về đầu tư, pháp lý làm công cụ để nhà đầu tư có thể nghiên cứu, tìm hiểu trên các trang web, facebook… ; bổ sung, cập nhật bộ tài liệu xúc tiến đầu tư thành 5 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung, in đĩa DVD giới thiệu quy hoạch chung của tỉnh. Thực hiện việc công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, các dự án ưu tiên đầu tư…
Với những điều chỉnh phù hợp trong công tác xúc tiến đầu tư, những nỗ lực trong đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp… kỳ vọng sẽ “mở đường” cho các nhà đầu tư đến Thừa Thiên Huế nghiên cứu, đầu tư; cùng đồng hành với tỉnh nhà trong chặng đường phát triển.
Năm 2021, toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 169,1 triệu USD (tương đương 3.873 tỷ đồng). Trong đó, dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung với tổng vốn đầu tư là 151 triệu USD (tương đương 3.458 tỷ đồng), hiện đang gấp rút chuẩn bị các thủ tục về đầu tư và xây dựng để khởi công dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 2 dự án FDI được cấp phép đầu tư với vốn đăng ký 59,5 triệu USD, tương đương 1.348 tỷ đồng.
Bài: Hoàng Anh - Ảnh: Bích Thảo