Nhiều doanh nghiệp liên kết trong việc trồng và chế biến, chiết xuất các loại dược liệu phục vụ thị trường

Phát huy tiềm năng tài nguyên, khoa học

Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ nhiều loài cây thuốc, trong đó, có nhiều loài có giá trị y tế và kinh tế cao. Theo thống kê từ các công bố nghiên cứu khoa học về các loài thực vật có tác dụng làm thuốc, Thừa Thiên Huế có hơn 1.126 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Nhiều loài cây dược liệu quý được kể đến như tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía, vương tùng, lá khôi tía... Ngoài ra, còn nhiều loài động vật, khoáng chất, dược liệu rừng, biển, đầm phá trên địa bàn có thể sử dụng làm dược liệu.

Mặc dù cây dược liệu rất phong phú, đa dạng ở các vùng rừng, nhưng suốt thời gian dài, phần lớn người dân có thói quen khai thác nguồn cây dược liệu về dùng mà chưa có cơ chế, chính sách để trồng, phục hồi những loài cây hữu dụng phục vụ cuộc sống, sức khỏe con người. Hơn nữa, do giá trị của tài nguyên về dược liệu chưa được nhìn nhận đúng mức, chỉ mới xác định yếu tố quý về mặt y tế chứ chưa quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế và môi trường, nên chưa được bảo tồn, khai thác hợp lý và tạo ra sản phẩm dược liệu có giá trị.

Sâm Bố Chính được người dân A Lưới trồng và liên kết cùng doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm

Thực tế, có hàng trăm cây thuốc chữa bệnh theo tri thức bản địa và cũng có rất nhiều bài học, nghiên cứu về phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết đồng bộ giữa người dân, nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp (DN), nên nhiều đề tài nghiên cứu khoa học vẫn còn nằm trong “ngăn tủ” hoặc nếu được ứng dụng thực tế cũng đều bị bỏ dở.

Để xây dựng phát triển cây dược liệu, sản phẩm dược liệu cũng như thị trường tiêu thụ, ngành KH&CN đã nhìn nhận ra vấn đề cốt lõi là cần có sự “bắt tay” nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng giữa ngành chuyên môn, địa phương và DN. Trong đó, DN là cánh tay nối dài trong việc kế thừa thành quả nghiên cứu khoa học, để xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, hình thành vùng cây dược liệu phát triển ổn định và bền vững, nhằm bảo tồn giá trị y học, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân...

Từ những năm trước, đã có một số DN chuyên chế biến tinh dầu tràm và các loại tinh dầu đã bắt tay với nhiều hộ dân, chính quyền các địa phương như Phong Điền, Phú Lộc, TX. Hương Trà... để phát triển vùng trồng cây nguyên liệu dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Từ năm 2021, Công ty TNHH Sâm Bố Chính Hoàng Gia đã liên kết với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp A Lưới và một số hộ dân tại địa phương để trồng cây sâm Bố Chính cung cấp cho DN chế biến các sản phẩm dược liệu.

Cũng vào năm ngoái, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Hương Cát nhận được nguồn hỗ trợ đã đầu tư trồng cây dược liệu sâm cau trên vùng cát huyện Quảng Điền nhằm đa dạng sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP để sắp tới sẽ đưa ra thị trường sản phẩm dược liệu đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của người dân.

Trở thành trung tâm dược liệu khu vực miền Trung

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, quan điểm của ngành KHCN về phát triển dược liệu là phải gắn với phát huy tài nguyên bản địa, tri thức bản địa, nhất là các sản phẩm dược liệu quý trên địa bàn. Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, Sở xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu dược liệu gắn với chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó đã lựa chọn ra gần 20 loài dược liệu quý và trong đó có khoảng 12 loài dược liệu tiềm năng để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như tinh dầu tràm, các loại tinh dầu, sâm cau, thiên niên kiện dưới tán rừng...

Nuôi cấy mô một số giống cây dược liệu để cung ứng cho thị trường

Trong kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đến năm 2030” năm 2022, Thừa Thiên Huế hỗ trợ 1 - 2 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu, hỗ trợ 2 - 3 DN đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, phát triển chuỗi giá trị cho 2-3 sản phẩm dược liệu có tiềm năng thương mại hóa.

Để thực hiện thành công mục tiêu đề án cũng như kế hoạch của UBND tỉnh, Sở KH&CN tiến hành quy hoạch vùng thổ nhưỡng phù hợp có thể trồng các loài dược liệu quý, đồng thời triển khai một số dự án phát triển dược liệu, quy trình về nghiên cứu giống, quy trình sản xuất, chế biến và hướng đến xây dựng thương hiệu một số sản phẩm. Trong đó, ngành đã xây dựng dự án phát triển dược liệu quý ở huyện A Lưới, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc; triển khai dự án trồng gừng Huế, sâm cau ở Quảng Điền, cây cà gai leo, sa nhân tím ở Phong Điền... để phục vụ cho các dự án tại một số DN.

Ở một số vùng có những quỹ đất có thể phát triển trồng chuyên canh các loài cây dược liệu như: thìa canh, chè dây, cà gai leo, tràm gió, tràm năm gân..., ngành KHCN đặc biệt quan tâm hỗ trợ các dự án nghiên cứu từ giống, quy trình trồng và chăm sóc dược liệu. Ngoài ra, một số dự án về môi trường, lâm nghiệp đã hỗ trợ cho các địa phương tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng, khu vực vùng đệm các khu bảo tồn tham gia trồng cây dược liệu dưới tán rừng với các giống cây bản địa như: ba kích, sâm bồng bồng, bách bệnh, thiên niên kiện...

Trong quá trình triển khai các mô hình, dự án trồng cây dược liệu, đặc biệt có sự tham gia, liên kết của các DN để chủ động đưa ra các sản phẩm dược liệu ra thị trường đảm bảo các tiêu chuẩn về sản phẩm dược liệu nói chung và sản phẩm thực phẩm chức năng nói riêng.

Mục tiêu quan trọng để phát triển ngành dược liệu của tỉnh là khai thác các loài cây dược liệu tự nhiên đi đôi với bảo vệ và bảo tồn nguồn gen, hướng đến hình thành vùng dược liệu đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hóa dược. Kỳ vọng trong tương lai không xa, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành trung tâm dược liệu khu vực Bắc Trung bộ và của cả nước, đồng thời tham gia thị trường dược liệu trong nước, khu vực và vươn ra thế giới.

Bài, ảnh: Hoài Thương