Ứng dụng công nghệ số có thể giúp tăng số lượng bệnh nhân mà bác sĩ và y tá có thể chăm sóc tại bất kỳ thời điểm nào

Thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng của chăm sóc sức khỏe

Ông Gervin Yang - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Openspace Ventures, giải thích rằng sở dĩ có sự gia tăng đột biến trong việc áp dụng công nghệ y tế hiện nay là do nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc từ các cơ sở y tế hiện có chất lượng khá kém.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ bác sĩ/bệnh nhân trung bình thường thấp hơn so với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này đã dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và những vấn đề sức khỏe kém hơn ở châu Á.

Theo bà May Lo, Giám đốc ABC Impact, điểm yếu của khoảng cách cung - cầu hiện có thể hiện đặc biệt rõ khi xem xét qua lăng kính của sự phân chia nông thôn - thành thị.

Mặc dù hơn 60% dân số Đông Nam Á sống ở khu vực nông thôn, nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe đều tập trung ở các địa điểm thành thị và khó tiếp cận.

Số hóa trong lĩnh vực y tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bác sĩ và bệnh nhân

Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện ở Indonesia và Philippines chỉ ra rằng phụ nữ ở khu vực thành thị đi khám thai nhiều hơn phụ nữ ở khu vực nông thôn. Một nghiên cứu khác về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia cho thấy, khoảng cách địa lý giữa các bệnh viện nông thôn và bệnh nhân trung bình xa gấp đôi so với các bệnh viện ở thành thị.

Sự chênh lệch này khiến việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe trở nên khó khăn hơn về mặt địa lý và tài chính đối với bệnh nhân nông thôn, khi nhiều người trong số đó thường là những người có thu nhập thấp.

“Những điểm yếu này đã tồn tại trong rất nhiều năm… Và những gì chúng ta đang thấy là chấp nhận và áp dụng các công cụ kỹ thuật số để thu hẹp khoảng cách cung - cầu này”, ông Yang cho biết.

Cuộc cách mạng chăm sóc từ xa

Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ sức khỏe không chỉ bao gồm việc cung cấp dịch vụ chăm sóc. Theo bà Lo, phạm vi của hoạt động này có thể mở rộng để bao gồm hỗ trợ công nghệ cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trực tiếp với bệnh nhân, ví dụ như theo dõi bệnh nhân từ xa, giúp các cơ sở y tế cân bằng tỷ lệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Thực tế tại Mỹ, các công cụ kỹ thuật số đang cách mạng hóa dịch vụ chăm sóc tại nhà bằng cách mang đến cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc khả năng giám sát bệnh nhân từ xa. Đồng thời, các công cụ này đang thu thập thông tin chi tiết theo định hướng dữ liệu để từ đó, có thể cung cấp thông tin một cách đáng tin cậy cho các quyết định của bác sĩ.

“Theo cách truyền thống, một y tá có khả năng chăm sóc 30 bệnh nhân cùng một lúc. Nhưng với công nghệ đủ thông minh, con số đó có thể tăng lên đến 150 hoặc thậm chí 200 bệnh nhân với 1 y tá”, ông Yang giải thích.

Việc theo dõi bệnh nhân từ xa đã trải qua một chặng đường dài. Các nghiên cứu đã chỉ ra, nó thực sự cải thiện kết quả, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Về cơ bản, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực y tế mang đến nhiều lợi ích, trong đó có việc tăng số lượng bệnh nhân mà bác sĩ và y tá có thể chăm sóc tại bất kỳ thời điểm nào, từ đó giảm tải cho hệ thống y tế công cộng, ông Yang nói thêm.

Tạo sự cân bằng phù hợp

Mặc dù các đổi mới về công nghệ y tế có nhiều mặt tích cực, nhưng vẫn tồn tại những thách thức trong việc thực hiện các giải pháp này ở Đông Nam Á. Theo các chuyên gia, một trong những thách thức mà những người tham gia vào ngành công nghệ y tế phải đối mặt là sự cố chấp, khó tiếp nhận cái mới của các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

“Những phương thức truyền thống đã được thiết lập từ nhiều, nhiều năm trước và chúng đã mang lại kết quả thực sự tốt cho bệnh nhân - điều đó khó có thể thay đổi. Do vậy, những gì cần thiết hiện nay là những con người thông minh có thể số hóa những phương thức đó, để tạo ra kết quả tương tự hoặc thậm chí tốt hơn cho bệnh nhân”, Giám đốc Openspace Ventures nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Lo cho rằng thách thức lớn nhất nằm ở suy nghĩ của các nhà đổi mới về dịch vụ mà họ có thể cung cấp, vì các công ty khởi nghiệp có thể sẽ quá tập trung vào công nghệ và bỏ qua những điều cơ bản của hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời, bên cạnh việc bản thân công nghệ phải có tính khả thi, vẫn cần có sự hỗ trợ lâm sàng của bác sĩ, nếu không sẽ khó có thể thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân và giành được lòng tin của họ, bà nói thêm.

Thực tế, bản chất nhạy cảm của chăm sóc sức khỏe khiến niềm tin trở thành một phần thiết yếu, đó là lý do tại sao các công ty công nghệ sức khỏe cần đảm bảo rằng các giải pháp của họ cần được kết hợp với những kinh nghiệm lâm sàng truyền thống. “Điều quan trọng là phải có sự cân bằng và ứng dụng công nghệ một cách phù hợp để làm lực đẩy theo đúng cách”, bà Lo khẳng định.

Tố Quyên (Tổng hợp & lược dịch từ Tech in Asia)

Ảnh: Medium - VNEconomy.vn