Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HỒNG ĐẠT)

Có thể nói, việc tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài là một trong những tiền đề để chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế đất nước. Song song với việc xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Nhiều thành tựu lớn

Tự lực tự cường là mong muốn chung của các quốc gia, thể hiện khát vọng phát triển kinh tế bền vững, ít phụ thuộc vào các biến động bên ngoài. Trên thực tế, các nền kinh tế có khả năng tự lực và tự cường cao thường có sức chống chịu tốt với các khủng hoảng bên ngoài, từ đó dẫn đến phát triển mang tính bền vững.

Đặc biệt các biến động trên phạm vi toàn cầu trong thời gian qua như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị,... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế-xã hội của nhiều nước. Những nền kinh tế có khả năng tự lực và tự cường có thể vượt qua biến cố này, quay lại phát triển nhanh và mạnh hơn trước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phát triển cho tới năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải bảo đảm được nền kinh tế độc lập, tự chủ cũng như thúc đẩy tính tự cường của nền kinh tế. Theo đó, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, vừa phải tuân thủ các nguyên tắc phát triển phù hợp những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng nhiều biến động, chúng ta cần hạn chế các rủi ro từ việc đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tăng cường nội lực kinh tế trong nước, phát triển hệ thống phòng vệ thương mại thích đáng để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp chuẩn mực quốc tế và thể chế quốc tế cho phép.

Quán triệt chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế là để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, đa dạng hóa thị trường và tạo các điều kiện cần thiết để tăng tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế.

Có thể thấy, quá trình này đã đem lại nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã ký kết và thực thi 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn từ trong nước ra khu vực và thế giới, con đường hội nhập, tham gia vào các FTA là đúng đắn, bảo đảm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Dấu ấn đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc tham gia các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã giúp duy trì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đồng thời hạn chế phần nào những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thương mại và kinh tế của đất nước.

Đơn cử như CPTPP, kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP liên tục ghi nhận sự gia tăng qua các năm. Trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng khoảng 18,1% so năm 2020.

Cụ thể hơn, chúng ta chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu sang từng thị trường CPTPP: Xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so năm 2020 và tăng 75% so thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Hay như đối với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 100% so thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, các FTA cũng đã và đang tạo động lực thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Xuất khẩu đạt bước tiến mới là hệ quả tất yếu của quá trình này, góp phần bảo đảm việc làm cho người lao động và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia vào các FTA nói riêng đã đem lại những kết quả ấn tượng, song còn đó vẫn là một số bài toán khó. Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại đã gây ra những khó khăn nhất định trong mọi lĩnh vực đời sống nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng.

Thứ hai, những quy định trong các FTA thế hệ mới tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA truyền thống, nhất là các quy định về quy tắc xuất xứ khiến nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa bắt kịp các ưu đãi và cần thời gian để nghiên cứu, điều chỉnh sản xuất. Theo khảo sát của VCCI, năm 2021, có 69% số doanh nghiệp nghe nói, hoặc biết sơ bộ về CPTPP, 25% số doanh nghiệp có tìm hiểu và đang tìm cơ hội thâm nhập thị trường; đối với EVFTA, chỉ có 30,19% số doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết.

Điều này cho thấy chưa nhiều doanh nghiệp thật sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về các FTA. Thứ ba, chúng ta không thể phủ nhận rằng một số đối tác FTA có khoảng cách địa lý khá xa so với Việt Nam, dẫn đến chi phí vận tải cao, thời gian vận chuyển kéo dài. Đó là chưa kể các thị trường lại thường yêu cầu hàng hóa được nhập vào đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cuối cùng là về nội tại năng lực sản xuất và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trong nước.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 98% số doanh nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật, tiềm lực tài chính hay tính chuyên nghiệp ở phần lớn doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định và đây cũng là một trong những khó khăn khi ta phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu khác để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Nhằm tăng cường hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới cũng như nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Bộ Công thương đề xuất hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cần được tổ chức thực hiện đồng bộ.

Đó là chúng ta cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, cần bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động, chú trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận những hỗ trợ để tận dụng tối đa các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo. Tiếp tục rà soát để tháo gỡ một cách chủ động hơn nữa những quy định còn chồng chéo, bất cập, thiếu minh bạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về những cơ hội tiếp cận nguồn lực, dự án phù hợp theo năng lực và điều kiện,…

Chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, trong đó, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài; thường xuyên rà soát và cập nhật tình hình thực thi các FTA mà Việt Nam đã tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới…

Theo nhandan.vn