Động Tiên Công nằm ở vị trí đắc địa, được chọn là điểm quan sát tiền tiêu trong kháng chiến

Động Tiên Công thuộc địa bàn xã Hồng Kim, huyện A Lưới. Động nằm ở độ cao hơn 1.000m. Trước đây, đồng bào còn gọi tên là động/hang Cớp Va. Hang động này gắn với hệ thống địa đạo chiến đấu và nằm trong hệ thống hang động chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở A Lưới.

Động Tiên Công thuộc dãy núi A Túc. Từ đường Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy tấm biển chỉ dẫn vào di tích này. Theo con đường vào thôn Đụt 1, dẫn ra đường Trường Sơn huyền thoại nay chỉ còn vết tích của những người vào rừng trồng trọt. Băng qua nhánh sông Tà Rình, hãy chuẩn bị tinh thần để leo 1km đường dốc núi khá khó khăn vì lối đi không có cây làm điểm tựa. Hãy chuẩn bị ít nước và thực phẩm nhẹ, một cây gậy để dò đường và giày có độ bám tốt.

Theo thông tin xã Hồng Kim còn lưu lại, Động Tiên Công dài khoảng 50m, điểm rộng nhất khoảng 20m, dài khoảng 50m. Con sông Tà Rình uốn lượn đi qua và vị trí động thuận lợi cho việc quan sát tiền tiêu. Động trở thành điểm tập kết trung chuyển lương thực, vũ khí và là nơi trú ẩn – dừng chân cho bộ đội hành quân qua đây.

Bên dưới chân động là đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh. Lực lượng công binh túc trực làm nhiệm vụ liên tục ngày đêm hỗ trợ thông tuyến cho người và xe ở hai miền Nam Bắc.

Giai đoạn 1965-1967, Mỹ rải nhiều chất độc hóa học ở khu vực này nên dần lộ ra con đường Trường Sơn và khu vực động Tiên Công.  Chúng tổ chức đánh phá quyết liệt. Động Tiên Công trở thành nơi cất giấu và trung chuyển vũ khí đến các điểm kho lân cận và cụm địa đạo ở xã Hồng Bắc. Tháng 12/1967, một  trận B52 Mỹ đã đánh sập cửa chính vào động Tiên Công khiến tiểu đội công binh làm nhiệm vụ bên trong hy sinh. Thông tin ban đầu địa phương còn lưu giữ thì trận bom ác liệt năm ấy khiến khoảng 30 chiến sỹ ngã xuống tại khu vực này.

Động Tiên Công là điểm di tích lịch sử có giá trị về mặt khoa học quân sự, thuộc loại địa đạo hầm chiến đấu được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2005.

Anh Hồ Văn Hôm, Trưởng thôn Đụt 1, xã Hồng Kim cho hay, do đường vào khó khăn nên rất ít người đến đây. Một số khách nước ngoài và khách Việt thích đi phượt thi thoảng tìm lên dâng hương, lắng nghe câu chuyện người dân kể về điểm quan sát tiền tiêu nổi tiếng một thời này.

Cùng Thừa Thiên Huế Online ngắm nhìn hình ảnh về di tích này:

Tấm biển di tích nằm bên đường Hồ Chí Minh. Những đứa trẻ vùng cao luôn chỉ đường nhiệt tình cho du khách

Người dân thôn Đụt 1 rất tự hào về vùng đất cách mạng nơi mình ở. Bạn có thể đến tìm hiểu văn hóa địa phương và giao lưu với đồng bào

Đường Trường Sơn cũ nay là đường vào rừng của người dân, men theo đường này sẽ đến hang động

Nên chuẩn bị trang phục phù hợp để tiện vượt sông Tà Rình

Bạn sẽ trải qua hành trình leo 1km đường đồi núi khá vất vả vì không có đường đi riêng

Quanh động còn nhiều vết tích hố bom B52

Lên đến điểm cao này, dễ dàng quan sát thung lũng và phóng tầm mắt về A Lưới 

Có nhân chứng còn sống cho hay, trận bom 12/1967 khiến tảng đá lớn sập, bít cửa vào hang, tiểu đội công binh hy sinh bên trong

Một loài hoa dại mọc ở khu vực này

Thi thoảng vẫn có những đoàn khách ghé dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ

Vị trí tảng đá sập khiến phía cửa động Tiên Công bị hạ thấp độ cao, có điểm phải đi khom người mới di chuyển được

Cựu chiến binh 87 tuổi thuộc Sư đoàn 324 tìm vết tích đồng đội ở khu vực Tiên Công - Dốc Mèo trong chuyến trở lại chiến trường xưa ngày 1/9

Toàn cảnh động Tiên Công

Tuệ Ninh - Minh Trúc (Thực hiện)