Trẻ bị đầu nhỏ do nhiễm virus Zika. Ảnh minh họa: AP/Người Lao động

Theo Bản tin truyền nhiễm hàng tuần của Bộ Y tế Singapore (MOH), trường hợp này được báo cáo trong tuần từ 21/8 – 27/8 vừa qua.

Dữ liệu của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) cho thấy, nước này cũng ghi nhận thêm 666 trường hợp sốt xuất huyết trong cùng khoảng thời gian này.

Nhiễm virus Zika chủ yếu do muỗi Aedes lây truyền, tương tự như bệnh sốt xuất huyết. Có 194 cụm dịch sốt xuất huyết đang hoạt động ở Singapore tính đến ngày 29/8 này.

Trang web của NEA cũng có thấy 75 cụm dịch sốt xuất huyết hiện được xác định với màu cảnh báo đỏ, cho thấy mỗi cụm có 10 trường hợp trở lên.

Kể từ ngày 1/9 vừa qua, hiện tại vẫn chưa phát hiện thêm ca nhiễm Zika nào.

Tính đến tháng 7 năm nay, quần thể muỗi Aedes aegypti, loài trung gian chính truyền bệnh sốt xuất huyết, hiện vẫn ở mức cao ở Singapore.

Với số lượng muỗi Aedes aegypti cao, cùng với sự lưu hành của DENV-3 vốn không phổ biến trước đây, có khả năng Singapore sẽ có thêm nhiều ca sốt xuất huyết hơn trong những tháng tới.

Theo trang web của Bộ Y tế Singapore, chỉ khoảng 1/5 trường hợp nhiễm Zika là có triệu chứng.

Được biết, Zika nhìn chung là bệnh tự giới hạn. Mặc dù hiếm gặp, song vẫn tồn tại các biến chứng thần kinh nghiêm trọng và bất thường ở thai nhi, có liên quan đến việc nhiễm virus Zika. Không có vaccine hay thuốc chống virus đặc trị cho căn bệnh này.

Những người mắc bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau đầu, cũng như viêm kết mạc hoặc mắt đỏ. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 3 – 12 ngày kể từ khi bị muỗi Aedes nhiễm bệnh cắn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Zika là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng 2/2016. Tuyên bố khẩn cấp cũng được bãi bỏ vào tháng 11 cùng năm.

Singapore đã báo cáo ca nhiễm Zika nhập cảnh đầu tiên vào tháng 5/2016 và trường hợp nhiễm trong cộng đồng đầu tiên xảy ra sau đó vài tháng, tức vào tháng 8 cùng năm. Đến cuối năm 2016, hơn 450 người đã nhiễm bệnh.

Virus này có liên quan đến các bệnh thần kinh như tật đầu nhỏ, khiến trẻ sinh ra có đầu nhỏ hơn do sự phát triển bất bình thường của não bộ.

Mặc dù Zika chủ yếu lây truyền qua đường muỗi Aedes cắn, song WHO cũng cho biết rằng bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi trong thời kỳ mang thai, qua quan hệ tình dục và truyền máu, cấy ghép nội tạng...

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)