Bộ sách "Chào Tiếng Việt" do tác giả Nguyễn Thuỵ Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Từ việc hiểu và sử dụng được tiếng Việt, dù ở xa quê hương, các thế hệ người Việt ở nước ngoài được nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.

Chất keo gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước

Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.

Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ, đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới, điển hình như Hoa Kỳ (khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt), Thái Lan (tổ chức 39 lớp học), Campuchia (thành lập 33 điểm trường, lớp), Lào (với 13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt)…

Tiêu biểu phải kể tới phong trào dạy và học tiếng Việt tại Ba Lan. Ông Lê Xuân Lâm, kiều bào Ba Lan, Tổng biên tập Báo Quê Việt, Chủ tịch Hội đồng trường tiếng Việt Lạc Long Quân cho biết, phong trào học tiếng Việt của trẻ em người Việt ở Ba Lan tương đối phát triển. Trong đó, trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Thủ đô Warszawa, được thành lập năm 1999, xuất phát từ nguyện vọng được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh, con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan.

Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có khoảng 30 học sinh theo học, đến nay, mỗi năm đã phát triển và duy trì 150-180 học sinh trong độ tuổi từ 6-14 tham gia học tiếng Việt, vào chiều thứ Bảy hàng tuần. Các em được chia thành hai khối học: Khối I gồm các lớp học năm thứ nhất và năm thứ hai với chương trình A, B; Khối II gồm các lớp học năm thứ ba, tư, năm với chương trình C, D, E.

Từ năm 2018, trường đã hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng có tên gọi “Em học tiếng Việt,” gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E nhằm đảm bảo phù hợp với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Đặc biệt, từ khi có dịch COVID-19 đến nay, nhà trường đã chủ động chuyển sang phương thức giảng dạy và học trực tuyến. “Đối với các cháu học tiếng Việt, chúng tôi không chỉ dạy kỹ năng nghe-nói-đọc-viết đơn thuần mà còn lồng ghép vào những nét đẹp văn hóa Việt Nam, những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, những sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là tình yêu quê hương và niềm tự hào về chủ quyền biển, đảo để các cháu hiểu biết về nguồn cội, về Tổ quốc Việt Nam”, ông Lê Xuân Lâm nói.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Bạch Lan, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Savanakhet (Lào) cho biết, việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc là nhiệm vụ bức thiết, trong đó tăng cường ngôn ngữ Việt là chất keo gắn kết cộng đồng kiều bào với quê hương, đất nước. Được sự quan tâm của chính quyền hai nước Lào và Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Lào đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng trường Song ngữ Lào - Việt khang trang, hiện đại.

“Chúng tôi luôn mong muốn trao truyền cho các thế hệ sau tình đoàn kết, nét đẹp văn hóa truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc ta, niềm tự hào là người Việt Nam, là con cháu của Bác Hồ kính yêu”, bà Bạch Lan tâm sự.

Tăng cường sức mạnh “mềm” của đất nước

Trên cơ sở xác định việc dạy và học, bảo tồn tiếng Việt là nguyện vọng chính đáng, nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” (Đề án), góp phần cụ thể hóa chủ trương “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng), đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của bà con.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: “Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam; đóng vai trò vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa; là công cụ quan trọng hàng đầu giúp giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp vào việc củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng”.

Với việc thực hiện Đề án này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn, Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới, đặc biệt là các thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế; lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; đặt nền tảng cho giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực giáo dục cộng đồng. Thông qua việc tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, luôn hướng về và tích cực đóng góp cho quê hương Việt Nam.

Đồng thời, việc tôn vinh tiếng Việt tại các địa bàn sẽ góp phần truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, cũng như văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sức mạnh “mềm” của đất nước.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ, việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 hằng năm gồm các hoạt động: Hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt; định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài” (thông qua các hoạt động liên quan đến tiếng Việt như thi kể chuyện, làm thơ, hùng biện…); Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương”; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền và các đại sứ quán ở nước sở tại tổ chức hoạt động quảng bá ngôn ngữ các nước, lồng ghép Chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn.

Bên cạnh đó, nhân dịp Ngày Tôn vinh tiếng Việt hàng năm, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Tri ân” nhằm ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.

"Nhằm đa dạng hóa hình thức thông tin, quảng bá trong và ngoài nước hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt, ngoài huy động sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí, các nhân vật có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng với các hình thức truyền thông mới và đa dạng, chúng tôi sẽ hỗ trợ, phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các địa bàn tổ chức Ngày/Tuần lễ nói tiếng Việt trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng thành lập các câu lạc bộ tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; tổ chức các hoạt động dạy học, quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế", Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm, các Tủ sách tiếng Việt; website riêng về dạy, học tiếng Việt cũng sẽ được ra đời nhằm thúc đẩy việc đưa tiếng Việt có nội dung quảng bá, giới thiệu văn hóa, truyền thống, đất nước, biển đảo, con người Việt Nam vào các thư viện, cơ sở dữ liệu ở sở tại… Cùng với đó là các sáng kiến khác liên quan đến quảng bá tiếng Việt.

Theo TTXVN