Bữa ăn bán trú giúp các em học tốt hơn (ảnh minh họa)

Với mức đóng dự kiến 20.000 đồng cho bữa ăn trưa, chưa bao gồm các khoản chi phí khác quả là điều không dễ với đồng bào dân tộc và cũng là bài toán cần phải “thắt lưng, buộc bụng” của nhà trường. Nhẩm tính, theo quy định, từ 40 đến 50 học sinh buộc phải có 1 cấp dưỡng và với 1.000 học sinh của Trường tiểu học Kim Đồng phải cần tối thiểu 20 cấp dưỡng. Khoản lương này phụ huynh phải trả và họ bắt đầu có sự tính toán. Cái lý mà nhiều phụ huynh đưa ra là, vì sao độ tuổi mẫu giáo không phải trả lương cho cấp dưỡng mà tiểu học phải trả?!

Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới bảo, chúng tôi chỉ biết giải thích đây là theo quy định ở mỗi cấp học, chứ thực sự không biết làm thế nào để bà con hiểu. Chưa kể, bao nhiêu khoản phải lo về cơ sở vật chất như nơi ăn, chốn ngủ và kể cả phải có đội ngũ giáo viên tận tâm ở lại quản lý lớp học vào ban trưa. Bàn lui và tính tới nhưng năm học mới cận kề, thí điểm bữa ăn bán trú ở Trường tiểu học Kim Đồng cho toàn huyện A Lưới vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, ông Khởi quả quyết, sẽ làm gọn trong khoảng 150 học sinh học lớp 1 trong năm học này tại Trường tiểu học Kim Đồng, với sự nỗ lực tối đa của chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT huyện.

Tôi hiểu sự quyết tâm ấy và mong muốn "đốm lửa nhỏ" sẽ được lan rộng, khi đến thời điểm này toàn huyện có 17 trường tiểu học và 4 trường tiểu học và trung học cơ sở với trên 5.200 học sinh, nhưng vẫn chưa có trường nào xây dựng được bữa ăn bán trú. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học bắt buộc phải học 2 buổi/ngày. Điều này các trường ở A Lưới đã làm được 100%, nhưng cứ mỗi ngày học sinh phải  “2 vòng, 4 tráo” khiến đường đến trường của các em gập ghềnh hơn.

Nhớ thời gian trước, nhiều em sớm trở thành lao động trong nhà do sức học yếu, bố mẹ lo làm ăn, không ai đưa đón. Phụ huynh thường làm đủ nghề, cạo mủ cao su và thợ nề vẫn là công việc chính giúp họ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ đi làm xa, lại đi sớm về muộn nên việc đưa đón con gặp khó khăn. Nhiều em ở xã A Roàng, mỗi lần đi học phải đi từ 3 đến 5km, có ngày bố mẹ chở nhưng cũng có ngày đi bộ nên vào mùa mưa lại càng nguy hiểm. Đã có thời gian, giáo viên cứ thấp thỏm không yên khi các em nghỉ học giữa chừng, nhất là vào buổi chiều. Trong khi, lượng kiến thức ngày càng nhiều, nghỉ học buổi nào, chương trình lại bị gián đoạn.

Rõ ràng, học hai buổi/ngày mà được bán trú thì "nhất cử lưỡng tiện", các em sẽ được ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý để có thể lực tốt. Nhưng trước mắt, bán trú cho học sinh A Lưới vẫn còn nhiều rào cản.

Bất chợt, tôi nhớ cách đây không lâu được chứng kiến Trường tiểu học Thượng Quảng  phụ huynh luân phiên nhau tự nguyện tổ chức bán trú cho 70 học sinh ở lại buổi trưa. Họ gọi nôm na là bán trú "dân nuôi". Bếp ăn của nhà trường bắt đầu “đỏ lửa” từ năm 2015, ban đầu được UBND huyện Nam Đông cấp kinh phí 20 triệu đồng để nhà trường mua bếp gas, nồi niêu, xoong chảo, chén bát... Qua một thời gian, số lượng phụ huynh đăng ký tự nguyện nấu ăn cho học sinh nhiều hơn, từ 20 người nay lên đến trên 50 người. Có nhiều phương án để phụ huynh chọn lựa trong việc đóng tiền ăn cho các em. Mỗi suất ăn thường đóng 15.000 đồng/ngày. Người có tiền thì đóng theo tuần, khó hơn thì con ăn bữa nào mẹ đóng bữa nấy. Thực đơn họ đều sử dụng thực phẩm cây nhà lá vườn nên thức ăn vừa rẻ, lại ngon.

23 nhân viên trong trường từ hiệu trưởng đến bảo vệ đều tự nguyện luân phiên nhau ở lại buổi trưa cùng các em. Từ mô hình này, học sinh thường xuyên tiếp xúc trò chuyện với giáo viên (ăn và ngủ trưa tại lớp với cô giáo) nên các cháu đã nâng cao khả năng phát âm tiếng Việt. Mặt khác, phần lớn các cháu đã bỏ được thói quen sử dụng tay bốc thức ăn, biết rửa tay sạch sẽ, biết mời cô giáo và bạn bè trước lúc ăn nên nhiều phụ huynh cứ muốn con mình được bán trú tại trường. Kinh phí đóng góp, chất lượng bữa ăn do phụ huynh đảm nhận. Tuy nhiên, nhà trường quản lý về khâu an toàn thực phẩm, lưu lại mẫu thức ăn và lên thực đơn để phụ huynh tham khảo.

Mô hình bán trú dân nuôi không phải địa phương nào cũng có thể làm,  nhưng đó cũng là một cách để gỡ khó trong tình hình hiện nay. Tôi vẫn tin những phương án mà Trưởng phòng GD&ĐT A Lưới Hồ Văn Khởi đưa ra trong thời gian đến. Chẳng hạn, nếu không có tiền trả cho cấp dưỡng thì sẽ hợp đồng với các đơn vị cung ứng bữa ăn trưa cho các em; vận động giáo viên ở lại để quán xuyến bữa ăn cho các cháu... Cao hơn là quyết tâm của  nhà trường và đồng lòng của phụ huynh, là sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân trong hỗ trợ quỹ đất, xây dựng bếp ăn... khang trang để tổ chức được bữa ăn bán trú cho các em có buổi trưa đủ chất dinh dưỡng, phát triển thể lực, trí tuệ để học tốt hơn.

Bài, ảnh: AN NHIÊN