Đó là chủ đề mà Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đặt ra cho kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới sẽ được diễn ra vào cuối tháng này tại Bali (Indonesia).

Cách đặt vấn đề này không khỏi làm ta tự đặt câu hỏi về việc vì sao lại cần tư duy lại hình thái của một hoạt động. Nhất là khi đó là một hình thái khá nhất quán trong việc nó đã được tổ chức và vận hành trên toàn thế giới, với những cách thức và quy mô khác nhau; được xem là một ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị kinh tế.

Có lẽ, yêu cầu về một sự tư duy lại đã đến từ những gì đã diễn ra khi COVID-19 đã “ngắt” ngành công nghiệp không khói này ra khỏi “đường băng” lâu nay của nó. Hơn 24 tháng gần như phải chịu đựng sự đứng yên là một trạng thái thúc đẩy cảm giác được chạm đến những nơi chốn mới, được nghỉ ngơi, thư giãn, được chăm sóc và trải nghiệm, được khám phá… ở rất nhiều cá thể. Nhưng rõ ràng đã có những thay đổi lớn hơn ở cách thức mà người ta xê dịch. Việc tìm kiếm những vùng đất an toàn (theo nghĩa rộng) có lẽ đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là cách thức mà người ta vận hành, mang lại cho du khách cảm giác yên tâm nhất trong hành trình của mình.

Nhìn từ cách mà du khách di chuyển sau dịch trong thời gian qua, có thể nhận thấy lượng khách outbound và inbound (khách ra nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam) đã bắt đầu có sự “nhúc nhích”, nhưng tỷ lệ khách du lịch nội địa vẫn đang chiếm ưu thế. Cũng khác với trước, người ta bắt đầu có những lựa chọn khác hẳn so với thời gian trước khi xu hướng dùng công nghệ để đặt vé, đặt phòng, tìm kiếm/đặt các món ăn và thậm chí là tìm kiếm những nơi lưu trú yên tĩnh hơn, thoáng mở hơn với tiêu chí là né bớt những nơi đông người. Chắc chắn đây cũng là căn nguyên mà các doanh nghiệp du lịch cần tư duy lại phương thức tổ chức hoạt động của mình, nhằm đón được khách và tối ưu hóa các nguồn thu.

Bằng một chút ít kinh nghiệm của người vừa tham gia vào khu vực du lịch lưu trú, cũng như từ những trò chuyện, trao đổi với những người đã chọn homestay nho nhỏ của chúng tôi để dừng lại một vài ngày, điều mà tôi nhận ra là du khách nói nhiều hơn về những trải nghiệm mang tính chia sẻ của mình. Đó là khi họ nói về khoản chi phí không chỉ để mang lại cảm giác thư giãn, không chỉ là những trải nghiệm của bản thân mà còn là cách nghĩ về những người khác – về những cư dân nơi chốn mà họ đến – trong sự góp phần vào việc tạo ra chuỗi tuần hoàn, cùng nhau mang lại sắc thái sinh động của một vùng đất.

Theo tôi, đó cũng là một cách tư duy lại về du lịch đến từ phía khách hàng. Hẳn sẽ là sự tốt hơn rất nhiều cho hoạt động du lịch khi tạo ra một sự cộng hưởng đa chiều. Nói một cách khác đi, đó cũng là cách để những người làm du lịch có thêm chất xúc tác và cảm hứng để cùng nhau tư duy lại du lịch như chủ đề mà UNWTO đưa ra trong ngày kỷ niệm của mình.

Nguyễn Lê An